Doanh nghiệp nước ngoài phải bổ sung giấy phép kinh doanh thương mại điện tử

11:07 | 09/08/2022 Print
(TBTCO) - Các sàn thương mại điện tử (TMĐT) có vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam phải bổ sung Giấy phép kinh doanh trước ngày 1/1/2023 nếu chưa có đủ theo quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP về TMĐT trước ngày 1/1/2023.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa có thông báo về việc bổ sung giấy phép kinh doanh đối với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực TMĐT.

Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT có quy định cụ thể về bổ sung giấy phép kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp nước ngoài phải bổ sung giấy phép kinh doanh thương mại điện tử
Thương mại điện tử ngày càng thu hút được sự tham gia của người tiêu dùng. Ảnh: Hải Anh

Theo đó, Cục TMĐT và Kinh tế số đề nghị các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được xác nhận đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT và đang hoạt động mà chưa có giấy phép kinh doanh cập nhật hồ sơ, bổ sung giấy phép kinh doanh trước ngày 1/1/2023. Việc cập nhật tiến hành trực tuyến thông qua qua cổng online.gov.vn.

Trong khi đó, với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT mới, cần cung cấp các loại giấy tờ gồm: Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức); bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân), giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).

Nghị định 85/2021/NĐ-CP bổ sung nhiều quy định mới trong lĩnh vực TMĐT. Cụ thể, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam phải thực hiện đăng ký hoạt động TMĐT và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.

Theo Nghị định 85/2021/NĐ-CP văn phòng đại diện hoặc nội dung ủy quyền phải đảm bảo các trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc ngăn chặn những giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam; thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; đồng thời thực hiện báo cáo theo quy định. Để cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam, thương nhân, tổ chức nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công thương trong vòng 12 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực.

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam