Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công phải tuân thủ đúng quy định pháp luật

17:59 | 09/08/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (NSTW) giai đoạn 2021 - 2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).

Còn gần 355,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ

Theo tờ trình, Chính phủ trình UBTVQH cho ý kiến về 114 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công với dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2021-2025 nguồn NSTW trong nước là 96.321,830 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung KHĐTCTH vốn nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương với tổng số vốn là 4.104,674 tỷ đồng từ số vốn nước ngoài chưa phân bổ.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Phú Cường cho biết số vốn Chính phủ phải báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi giao KHĐTCTH là 455.909,989 tỷ đồng. Tại Tờ trình 256 và Tờ trình 17, Chính phủ trình UBTVQH cho ý kiến trước khi giao KHĐTCTH đợt 3 là 100.426,504 tỷ đồng. Như vậy, số vốn còn lại Chính phủ chưa trình UBTVQH cho ý kiến (sau đợt 3 này) là 355.483,485 tỷ đồng.

Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình

Đa số ý kiến UBTCNS cho rằng, sau hơn 1 năm từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, đến nay vẫn chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tiến độ giao vốn là chậm, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện KHĐTCTH. Đề nghị Chính phủ quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, phân bổ hết số vốn còn lại theo quy định. Việc phân bổ, giao vốn KHĐTCTH đối với số vốn còn lại cần thực hiện trước 31/12/2022, sau thời hạn trên, chuyển toàn bộ số vốn còn lại vào dự phòng chung để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương

Cơ quan thẩm tra lưu ý việc thay thế dự án trong danh mục phải là các dự án thực sự cần thiết, đã đủ thủ tục đầu tư và bảo đảm không vượt tổng số dự án, kế hoạch đầu tư vốn NSTW theo ngành, lĩnh vực Quốc hội đã quyết nghị cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại Nghị quyết số 29; việc bố trí vốn cho các dự án thay thế, các dự án điều chỉnh bổ sung phải tập trung để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đối với các địa phương, thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị quyết 29, Chính phủ chịu trách nhiệm về hiệu quả và sự cần thiết phải đầu tư cho các dự án này.

trong việc giao vốn chậm, đồng thời đề nghị kiên quyết cắt giảm toàn bộ số vốn đến nay chưa phân bổ, điều chuyển cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, còn thiếu vốn để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021-2025.

Điều chỉnh kế hoạch không được làm thay đổi cơ cấu, tổng mức vốn

Theo Tờ trình của Chính phủ, có 3 địa phương (Đà Nẵng, Đồng Tháp, Lạng Sơn) đề nghị thay thế 8 dự án đã có trong danh mục báo cáo Quốc hội tại báo cáo số 243/BC-CP nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư (tổng số vốn là 1.595 tỷ đồng) bằng 5 dự án khác chưa báo cáo Quốc hội nhưng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có thể triển khai ngay (tổng số vốn là 1.345,810 tỷ đồng); việc điều chỉnh tăng, giảm số vốn bố trí giữa các dự án là trong nội bộ của địa phương, không làm tăng tổng mức vốn đầu tư công đã được Quốc hội quyết định.

Đa số ý kiến UBTCNS nhất trí với đề xuất của Chính phủ về trường hợp điều chỉnh dự án của TP Đà Nẵng và tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, đối với việc thay thế dự án của tỉnh Lạng Sơn, thay 5 dự án (gồm 4 dự án giao thông, 1 dự án thủy lợi) bằng 2 dự án mới, UBTCNS cho rằng, việc điều chỉnh dự án như Chính phủ trình làm thay đổi cơ cấu vốn giữa các lĩnh vực, chưa bảo đảm nguyên tắc “không làm thay đổi cơ cấu, tổng mức vốn từng ngành, lĩnh vực trong nội bộ của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 29”, vì vậy, đề nghị điều chỉnh lại phương án bố trí vốn.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng giải ngân chậm đang là căn bệnh trầm kha nhiều năm nay. Đến nay, theo như báo cáo nếu giao hết số vốn Chính phủ đề xuất, tổng vốn đầu tư công vẫn còn tới 355.000 tỷ đồng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, bộ ngành giải trình thêm vì sao còn lại lớn vậy, tập trung nhiều ở đâu, khi nào mới phân bổ được.

Bên cạnh đó, trong gói hỗ trợ phục hồi 347.000 tỷ đồng, phần lớn nhất là đầu tư công đến nay vẫn chưa có danh mục trong khi đã gần 7 tháng trôi qua. Chính phủ cần làm rõ khó khăn, vướng mắc ở khâu nào?

Về việc thay thế dự án của Lạng Sơn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Nghị quyết 29 đã yêu cầu không được thay đổi cơ cấu vốn, tổng mức vốn các ngành, lĩnh vực. Nếu thay đổi như vậy, các địa phương khác cũng có thể làm được, thì liệu chúng ta có chấp nhận. “Tinh thần chung là phải tôn trọng pháp luật”- Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết giải ngân 7 tháng mới đạt 34,47%, thấp hơn cùng kỳ năm 2021. Năm nay, ngoài những lý do khách quan, chủ quan, lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết còn có những yếu tố mới. Đó là do năm nay là năm thứ 2 thực hiện KHĐTCTH, nhưng vì tháng 7/2021 Quốc hội mới thông qua kế hoạch nên đến nay vẫn đang làm thủ tục.

Yếu tố thứ hai là giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, trung bình 20%, trong khi phần lớn nhà thầu tính theo trọn gói, đơn giá cố định nên càng làm càng lỗ. Do đó, hầu hết các nhà thầu đang chờ xem có điều chỉnh đơn giá hay không. Ngoài ra, tuy năm nay tỷ lệ giải ngân thấp hơn, nhưng giá trị tuyệt đối rất lớn, tăng gấp 2 lần.

Một vấn đề nữa, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là tâm lý các địa phương e ngại trong xử lý thủ tục, như về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, một số nơi không dám làm nên ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất chủ trương bố trí, bổ sung và điều chỉnh KHĐTCTH vốn NSTW giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 3) cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện danh mục, mức vốn của từng dự án.

Bố trí vốn không phân tán, dàn trải

UBTVQH đề nghị, Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục dự án, phân bổ chi tiết KHĐTCTH, bảo đảm việc quyết định giao danh mục, phân bổ vốn cho từng dự án và bổ sung, điều chỉnh (tăng/giảm) KHĐTCTH phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Việc bố trí vốn phải tập trung, không phân tán, dàn trải, manh mún, bố trí đủ vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; việc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư của các dự án phải bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, hoàn thành dự án đúng tiến độ đã được cấp có thẩm quyền quyết định và cam kết không bổ sung vốn NSTW cho các dự án này trong giai đoạn 2021-2025.

Việc thay thế, đổi tên, bổ sung dự án chưa có trong danh mục đã báo cáo Quốc hội và điều chỉnh tăng, giảm kế hoạch vốn cho các dự án phải bảo đảm không làm thay đổi tổng mức vốn theo cơ cấu ngành, lĩnh vực đã được Quốc hội quyết định…

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam