Gỡ những "nút thắt" trong quản lý, sử dụng tài sản công

12:49 | 10/08/2022 Print
(TBTCO) - Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 151/2017/NĐ- CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã phát sinh một số vướng mắc. Để hoàn thiện các quy định chi tiết về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định này.

Bộc lộ nhiều bất cập

Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (NĐ151) được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (DN), khi đã quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017 về các nội dung: thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định giao, mua sắm, thuê, xử lý TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng TSC để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; mua sắm, thuê, phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác, xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Tuy nhiên trong quá trình thực thi, NĐ151 cũng đã bộc lộ những hạn chế như: chưa có quy định về trình tự, thủ tục giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; thẩm quyền quyết định bảo dưỡng, sửa chữa, thuê đơn vị có chức năng quản lý vận hành TSC; khai thác TSC sau thu hồi…

Gỡ những
Việc thực hiện Nghị định số 151/2017/NĐ-CP sau một thời gian đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập.

Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giao Chính phủ nghiên cứu thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê, chuyển sang hình thức cho thuê đất thu tiền thuê hàng năm, bảo đảm nguồn thu ổn định từ đất đai. Tuy nhiên, quy định hiện hành về bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp chỉ có hình thức giao đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Một số trường hợp áp dụng theo trình tự, thủ tục xử lý TSC như quy định hiện hành chưa phù hợp như: xử lý TSC trong trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể do quy trình xử lý TSC hiện hành được xuất phát từ cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản đề xuất, lập hồ sơ đề nghị xử lý.

Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, qua thực tiễn triển khai việc sử dụng TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Cụ thể, việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo các tiêu chí như quy định hiện hành gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở để đánh giá chấm điểm đối với từng tiêu chí. Hơn nữa, trong thực tế có một số trường hợp trong quá trình thực hiện liên doanh, liên kết vì lý do bất khả kháng, đối tác không thể tiếp tục thực hiện nên đề nghị chấm dứt hợp đồng trước hạn. Tuy nhiên, quy định hiện hành không có quy định cụ thể cho trường hợp này, dẫn đến lúng túng trong xử lý…

Nhiều quy định về quản lý, sử dụng tài sản công được sửa đổi, bổ sung

Theo Bộ Tài chính, với việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý, sử dụng TSC sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về lĩnh vực này, giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc quản lý và sử dụng TSC được giao ngày càng hiệu quả hơn.

Dự thảo nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước; về bảo dưỡng, sửa chữa TSC; về khai thác TSC tại cơ quan nhà nước và TSC có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền… Bộ Tài chính đã đặc biệt quan tâm đến việc xử lý TSC trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể; việc sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết…

Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định để thi hành các nội dung về quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tại NĐ151.

Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác có liên quan được nộp hồ sơ điện tử trong trường hợp đã có chữ ký số khi thực hiện các thủ tục quy định tại NĐ151. Trường hợp thực hiện thủ tục quy định tại nghị định này mà phải thực hiện qua nhiều bước thì các bản chính theo quy định của từng thủ tục được lưu tại cơ quan có thẩm quyền quyết định, hoặc cơ quan của người có thẩm quyền quyết định; các cơ quan khác lưu bản sao.

Sửa đổi Nghị định 151/NĐ- CP để giải quyết các vấn đề phát sinh

Theo Bộ Tài chính, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ151 phải phù hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) năm 2017; giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong thời gian vừa qua. Đồng thời, các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đồng bộ với các quy định về quản lý, sử dụng TSC đã được Chính phủ ban hành quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công… Đặc biệt, nghị định mới sẽ cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp thẩm quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong việc quản lý, sử dụng, xử lý TSC.

Theo Bộ Tài chính, nội dung này được quy định để phù hợp với xu hướng chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến hiện nay.

Ngoài ra, đối với phần diện tích nhà, đất thuộc trụ sở làm việc trong trường hợp thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và thuộc trường hợp cơ quan tài chính có ý kiến về việc thu hồi đất, theo quy định tại Điều 36 Luật Quản lý, sử dụng TSC và Điều 12 NĐ151, thì khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất gửi lấy ý kiến, cơ quan tài chính có trách nhiệm căn cứ quy định tại 2 điều trên để có ý kiến; không phải thực hiện quy trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Nội dung này được quy định để tránh chồng chéo trong thực hiện, vì theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án đối với nhà, đất của cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án đối với nhà, đất của cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý trên cơ sở đề xuất phương án của Sở Tài chính; theo quy định tại Điều 36 Luật Quản lý, sử dụng TSC và Điều 12 NĐ151, Bộ Tài chính, sở tài chính cũng là cơ quan có ý kiến về việc thu hồi đất.

Tô Ngọc

© Thời báo Tài chính Việt Nam