Chính sách tài khóa linh hoạt, hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp

06:10 | 11/08/2022 Print
(TBTCO) - Thời gian qua, Bộ Tài chính vẫn luôn kiên định trong điều hành với phương châm mọi chính sách tài chính luôn hướng đến người dân, doanh nghiệp, duy trì chính sách tài khóa vì dân. Các chính sách tài khóa đã có những tác động tích cực khi mỗi năm số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

"Khoan thư sức dân” trong lúc khó khăn

Duy trì một chính sách tài khóa vì dân, nhiều năm qua, các chính sách thuế phí đều thể hiện tinh thần "khoan thư sức dân”. Nhất là trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề tới toàn bộ kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, các chính sách tài khóa đã thực sự phát huy tác dụng, khi mỗi năm số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã lên đến khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn (135 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách; số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách. Nếu tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh… Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.

Người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định, Bộ Tài chính luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và tiếp thu để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền, với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển. Bộ cũng nghiên cứu về việc ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Kim chỉ nam” dọn đường cho phát triển

Năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách. Đáng chú ý, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT (trừ một số nhóm hàng); giảm nhiều loại thuế, phí trong đó có lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước; thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không…; giảm 50% thuế BVMT đối với xăng dầu; giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng động cơ không pha chì… và nhiều khoản phí và lệ phí khác.

Đã miễn giảm gần 46 nghìn tỷ đồng

Nếu tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính ước tính, tổng số giảm các loại thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là khoảng 88.000 đến 90.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Việc gia hạn thuế, theo đánh giá của các chuyên gia, có tác dụng và ý nghĩa cũng nhiều như giảm thuế, bởi khoản tiền đó giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vay, coi như đó là khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho các doanh nghiệp.

Trên thực tế, các chính sách tài chính luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Mới đây, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật tài chính trong tình hình mới. Trong đó, đáng chú ý, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính xác định “mọi chính sách, pháp luật tài chính phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.

Việc xây dựng thể chế có ý nghĩa rất lớn, có thể coi là kim chỉ nam để dọn đường cho phát triển. Chính vì vậy, Bộ Tài chính luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng thể chế chính sách pháp luật về tài chính.

Minh Anh - Trần Viết Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam