Giá thép giảm 13 lần liên tiếp trong 3 tháng qua

18:08 | 10/08/2022 Print
Nhiều doanh nghiệp trong nước vừa có thông báo giảm giá thép lần thứ 13 liên tiếp trong 3 tháng qua với mức giảm lên đến 1,31 triệu đồng/tấn. Các chuyên gia kinh tế nhận định, giá thép vẫn có khả năng giảm khi thị trường xây dựng trầm lắng khi mùa mưa bắt đầu và hàng tồn kho của các doanh nghiệp đến thời điểm này còn khá lớn.

Các thương hiệu lớn đua nhau hạ giá

Kể từ 9/8/2022, các thương hiệu lớn như Thép Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Pomina... đồng loạt giảm giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 200.000 - 310.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).

Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, thương hiệu thép Hòa Phát giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống lần lượt còn 14,88 triệu đồng/tấn và 15,74 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Ý, doanh nghiệp hạ giá thép CB240 và D10 CB300 lần lượt 300.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn, xuống còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.

Như vậy, giá thép đã chứng kiến 13 lần giảm liên tiếp tính từ ngày 11/5, tổng mức giảm lên đến 4 - 5 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu và loại thép. Hiện giá thép trong nước đã về mức thấp hơn thời điểm đầu năm nay.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức cũng điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với CB240 và 260.000 đồng/tấn với D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá 2 loại thép này lần lượt còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,05 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Nhật cũng hạ giá sản phẩm thép CB240, D10 CB300 lần lượt 200.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn. Sau khi giảm, giá 2 loại thép này còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,35 triệu đồng/tấn.

Giá thép giảm 13 lần liên tiếp trong 3 tháng qua
Giá thép giảm 13 lần liên tiếp trong 3 tháng qua. Ảnh: TL

Riêng thép Pomina tại khu vực miền Trung là thương hiệu có mức giảm mạnh nhất. Giá thép cuộn CB240 được doanh nghiệp giảm tới 1,31 triệu đồng/tấn xuống còn 14,98 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn xuống còn 16,39 triệu đồng/tấn.

Lý giải nguyên nhân giá thép lao dốc liên tục, các chuyên gia kinh tế cho rằng, do giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới đi xuống. Giá nguyên vật liệu sản xuất thép như quặng sắt, thép phế, than cốc trong cuối quý II đã giảm 40-50% so với quý trước. Hơn nữa, hiện mùa cao điểm xây dựng đã qua, mùa mưa đến khiến việc tiêu thụ thép của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá thép cũng vì thế mà liên tục sụt giảm.

Hàng tồn kho cao, doanh nghiệp thép còn khó khăn

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) hiện nay, nguồn cung thép hiện khá dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều. Trong khi đó, nhu cầu bắt đầu hạ nhiệt khi bán hàng thép thành phẩm trong quý 2/2022 đạt 7 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung nửa đầu năm, lượng bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 15,1 triệu tấn, chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ - giai đoạn bắt đầu cao điểm dịch bệnh.

Giá thép giảm 13 lần liên tiếp trong 3 tháng qua
Giá thép được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm 2022. Ảnh: TL

Cũng theo VSA, hiện nay, đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau. Để tháo gỡ khó khăn, nhiều nhà máy thép đã buộc phải phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất. Tính đến hết tháng 5/2022, lượng thép tồn kho nội địa còn 1,49 triệu tấn, đạt mức cao kỷ lục. Với lượng tồn kho này, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu, đẩy hàng tồn.

Tập đoàn Hòa Phát cũng đưa ra dự báo, thị trường thép trong nước tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu yếu, thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa.

Nhận định về diễn biến nửa cuối năm 2022, VSA cho biết thị trường thép sẽ còn khó khăn hơn khi dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước.

Theo các chuyên gia kinh tế thì nhu cầu suy giảm là nguyên nhân khiến giá thép lùi sâu. Số liệu do SSI Research tổng hợp cho thấy, giá thép cuộn cán nóng tại EU đã điều chỉnh khoảng 35% về dưới mức trước khi căng thẳng Nga - Ukraine xảy ra, hai thị trường Trung Quốc và Mỹ cũng giảm 15 - 20% do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn, trong bối cảnh lạm phát trên toàn thế giới, đặc biệt nhu cầu yếu ở Trung Quốc do giãn cách xã hội, thời tiết bất lợi và thị trường bất động sản tăng trưởng chậm lại khi lãi suất tăng. Tác động này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất thép và giá thép trong nước những tháng cuối năm 2022.

Nguyễn Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam