Cần sửa đổi quy định góp vốn để hợp tác xã tiếp cận nguồn tín dụng

06:20 | 11/08/2022 Print
(TBTCO) - Trả lời phóng viên TBTCVN, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay quy trình thủ tục phức tạp khiến việc tiếp cận vốn tín dụng của hợp tác xã (HTX) gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng chính sách phù hợp cho HTX vay vốn, qua đó khuyến khích các HTX phát triển.

PV: Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhìn nhận kinh tế tập thể, HTX là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Để HTX phát triển thì việc hỗ trợ về vốn là rất quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của vốn tín dụng trong phát triển HTX?

Cần sửa đổi quy định góp vốn để hợp tác xã tiếp cận nguồn tín dụng
Ông Lê Đức Thịnh

Ông Lê Đức Thịnh: Khu vực kinh tế tập thể HTX có 3 nguồn vốn hoạt động. Thứ nhất là vốn góp của các thành viên, theo quy định của pháp luật. Nguồn vốn này còn nhỏ do các thành viên HTX hoặc các HTX đang đóng theo hình thức, tượng trưng. Thứ hai, vốn vay tín dụng, bao gồm tín dụng ưu đãi, tín dụng thương mại. Thứ ba là vốn tự huy động tại chỗ (tín dụng nội bộ…) là huy động vốn nhàn rỗi ở trong các thành viên HTX để cho vay lại trong thành viên và sử dụng nguồn vốn mà người dân chưa sử dụng thì HTX có thể triển khai theo hình thức tín dụng nội bộ.

Nếu thiếu vốn sẽ không khuyến khích được các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các dịch vụ, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chế biến, tăng giá trị gia tăng.

Cần sửa đổi quy định góp vốn để hợp tác xã tiếp cận nguồn tín dụng
Hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè Tân Lập - Mộc Châu. Ảnh: Lê Huy

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp cận vốn tín dụng của khu vực HTX còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông, rào cản hiện nay là gì?

Ông Lê Đức Thịnh: Về vốn tín dụng ưu đãi, mặc dù đã có chính sách ưu đãi cho tín dụng HTX nông nghiệp nông thôn, nhưng các ngân hàng, tổ chức thương mại không mặn mà vì liên quan đến đối tượng cụ thể, đánh giá, kiểm tra… càng cho vay thì càng phải kiểm tra đánh giá rất nhiều, thủ tục rất phức tạp. Không những vậy, việc cho vay với lãi suất ưu đãi thì sau này ngân hàng phải làm thủ tục xin cấp lại vốn từ nguồn của Chính phủ, từ ngân sách. Điều này làm mất động lực của các ngân hàng thương mại. Với hai lý do thanh tra, kiểm tra, thủ tục phức tạp và phải xin tiền hỗ trợ, nên các tổ chức tín dụng không mặn mà cho vay ưu đãi.

Đối với nguồn vốn tín dụng, Chính phủ đã có Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho HTX vay tín chấp mà không cần tài sản thế chấp. Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn này rất khó khăn, mặc dù đã có quy định là sử dụng HTX để thế chấp hoặc dùng tín chấp.

3,7% hợp tác xã được tiếp cận tín dụng hàng năm

Tổng dư nợ đến năm 2021 của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và chỉ khoảng 7.000 HTX được hỗ trợ tín dụng, tương đương 3,7% HTX được tiếp cận tín dụng hàng năm, đây là con số rất khiêm tốn. Mỗi năm chỉ khoảng 45 HTX nông nghiệp nhận được ưu đãi tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, bình quân 298 triệu đồng/HTX.

Vay thế chấp có nhiều khó khăn bởi vì có một số quy định liên quan đến tài sản thế chấp. Trước tiên, HTX không phải là doanh nghiệp, nên tài sản của HTX không lớn để thế chấp. Hơn nữa, theo quy định HTX kiểu mới, các thành viên không phải đóng góp tư liệu sản xuất vào HTX, mà chỉ góp một phần vốn nhỏ, cho nên HTX không có tài sản, hoặc tài sản rất ít, vì vậy HTX không có tài sản thế chấp cho ngân hàng. Lý do thứ hai, một số tài sản của các HTX là do thành viên xây dựng trên đất, như nhà kính, nhà lưới, máy móc thì không có xác nhận, chứng nhận và không thể dùng để thế chấp, bởi thủ tục cho vay cần xác nhận giấy tờ phải đồng bộ với tài sản đó mới thế chấp được. Điều này dẫn đến thực tế là nhiều HTX có nhà màng, nhà lưới mà không thế chấp được. Bởi vậy, có thể nói rằng HTX không có tài sản thế chấp, hoặc nếu có thì rất khó trong việc làm thủ tục thế chấp.

Đối với hình thức vay tín chấp đã có quy định rõ, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, có nhiều hình thức tín chấp, trong đó có hình thức tín chấp là xây dựng theo chuỗi giá trị, tín chấp bằng các hợp đồng thương mại, đầu ra - đầu vào. Hình thức này cũng đã được các ngân hàng chấp thuận cho vay, là hình thức tốt mang tính tín chấp chuỗi giá trị. Tuy nhiên, lượng HTX liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp mà có hợp đồng để tín chấp và doanh nghiệp đầu tàu dám đứng ra bảo lãnh cho HTX thì không nhiều. Ngoài ra, do việc quản lý không minh bạch ở HTX đã khiến các ngân hàng, tổ chức tín dụng không “mặn mà” trong việc cho vay vốn vì rủi ro cao. Đó là những khó khăn khi các HTX tiếp cận tín dụng thương mại.

Đối với nguồn vốn tự huy động tại chỗ. Giai đoạn 2012 về trước, Chính phủ cho phép các HTX xây dựng tín dụng nội bộ và hiện nay vẫn có khoảng 1.200 HTX đang huy động và cho vay tín dụng nội bộ rất hiệu quả. Trước đây, HTX thực hiện theo Thông tư 15/VBHN-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về tín dụng nội bộ HTX. Tuy nhiên, đến nay, thông tư này không còn giá trị pháp lý, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn, nên các HTX đang lúng túng trong điều hành vì sợ làm sai.

PV: Để tạo thuận lợi cho các HTX tiếp cận vốn, theo ông, Nhà nước nói chung và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ HTX như thế nào?

Ông Lê Đức Thịnh: Việc hỗ trợ phát triển HTX nói chung và giúp cho HTX huy động được vốn, cũng như tiếp cận được tín dụng rất quan trọng. Nhằm hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn, Nhà nước cần hỗ trợ về vốn, tài sản cho HTX tham gia chuỗi để hình thành tài sản và thông qua tài sản này có thể đầu tư sản xuất, thế chấp khi vay vốn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sửa đổi Thông tư 15/VBHN-NHNN, quy định góp vốn tối thiểu của thành viên HTX; khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng chính sách tín dụng cho HTX.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ giao NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định lại khung pháp lý cho việc huy động vốn. Cụ thể, giao NHNN hướng dẫn thông tư tín dụng nội bộ, sửa đổi các quy định về trách nhiệm góp vốn tối thiểu của thành viên HTX.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT), chúng tôi sẽ tập trung đào tạo HTX về quản lý tài chính, tăng năng lực quản trị theo chuỗi giá trị và giúp chuyển đổi số để giúp cho các HTX minh bạch hơn trong công tác quản lý và các ngân hàng dựa vào đó quản trị dòng tiền vay được rõ hơn, tạo sự tin tưởng để cho HTX thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Bộ NN&PTNT đang có phương án chỉ đạo đầu tư các trung tâm logistics, sơ chế, bảo quản bãi tập kết cho các HTX...

PV: Xin cảm ơn ông!

Cả nước tăng thêm 12.569 hợp tác xã nông nghiệp trong 20 năm qua

Trong 20 năm qua, cả nước tăng thêm 12.569 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trung bình mỗi năm tăng gần 800 HTX. Riêng giai đoạn 2016 - 2021 tăng cao gấp 3 lần giai đoạn trước đó. Tính đến hết năm 2021, cả nước có 34.871 tổ hợp tác nông nghiệp và 18.327 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% tổng số HTX cả nước, với khoảng 3,2 triệu thành viên. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, chất lượng và hiệu hoạt động của các HTX nông nghiệp cũng được cải thiện rõ rệt.

Tỷ lệ các HTX nông nghiệp được xếp loại khá, tốt tăng từ 10% (năm 2013) lên 33% (năm 2016) và hiện đạt trên 60%. Doanh thu các HTX nông nghiệp hiện đạt 2,44 tỷ đồng/HTX, tăng gấp hơn 2 lần năm 2013. Các HTX nông nghiệp cung cấp từ 7 - 16 dịch vụ ở nông thôn phục vụ cho cả sản xuất nông nghiệp và phúc lợi xã hội ở nông thôn.

Đến nay, cả nước có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX và 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất. Đặc biệt, có trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số HTX nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ BN&PTNT Lê Minh Hoan, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển, ngày càng xuất hiện nhiều và đa dạng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả.

Nam Khánh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam