Từng bước hoàn thiện lập báo cáo tài chính nhà nước

14:40 | 12/08/2022 Print
(TBTCO) - Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành tổng hợp lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) năm 2018, 2019, 2020 trình các cấp có thẩm quyền theo quy định. BCTCNN đã phản ánh bức tranh tổng thể ban đầu về tài sản, nguồn vốn của nhà nước. Các đơn vị đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm, tích cực, chủ động hơn trong việc lập, gửi BCTCNN.

Cung cấp thông tin tài chính một cách tổng thể

Bà Nguyễn Thị Hoài - Cục trưởng Cục Kế toán nhà nước, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, đây là những năm đầu tiên KBNN triển khai lập BCTCNN, trong điều kiện các đơn vị hành chính sự nghiệp triển khai áp dụng chế độ kế toán mới và lập báo cáo tài chính tổng hợp với nhiều thay đổi về nguyên tắc, chính sách kế toán, cũng như thực hiện lập, gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính (CCTTTC) cho KBNN, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Mặc dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: phần mềm kế toán của các đơn vị chưa được sửa đổi, nâng cấp; năng lực, trình độ của đội ngũ kế toán chưa đáp ứng được các thay đổi… nhưng các bộ, cơ quan trung ương, các đơn vị dự toán cấp I ở địa phương đã rất nỗ lực triển khai thực hiện các quy định kế toán mới và đã hoàn thành lập, gửi báo cáo CCTTTC năm 2018, 2019, 2020 cho KBNN. Bên cạnh đó, các đơn vị áp dụng chế độ kế toán đặc thù (UBND xã, ban quản lý dự án đầu tư công…) chuyển đổi sang áp dụng chế độ kế toán mới đã cung cấp báo cáo tài chính năm 2020 theo quy định. “Qua 3 năm triển khai, các đơn vị đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm, tích cực, chủ động hơn trong việc lập, gửi BCTCNN” - bà Hoài cho biết.

Báo cáo tài chính nhà nước đã phản ánh bức tranh tổng thể ban đầu về tài sản, nguồn vốn của nhà nước.
Báo cáo tài chính nhà nước đã phản ánh bức tranh tổng thể ban đầu về tài sản, nguồn vốn của nhà nước.

Nhấn mạnh hơn về việc tổng hợp BCTCNN của hệ thống KBNN, bà Hoài cho biết, khắc phục khó khăn, hệ thống KBNN đã hoàn thành BCTCNN đầu tiên năm 2018 và BCTCNN năm 2019, 2020 trình ra các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. BCTCNN đã cung cấp thông tin tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN) một cách tổng thể (tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn, thu nhập và chi của Nhà nước), cũng như chi tiết theo khu vực (hành chính, sự nghiệp; doanh nghiệp nhà nước; quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách…); theo cơ cấu trung ương - địa phương và theo bản chất, nội dung kinh tế. Đây là những thông tin quan trọng để đánh giá tài chính nhà nước nói chung, tài chính của từng khu vực nói riêng (đặc biệt là của nhóm các đơn vị hành chính sự nghiệp); so sánh tài chính giữa các địa phương, biến động giữa các năm, phục vụ công tác quản lý, điều hành NSNN.

Tuy nhiên, theo tổng hợp, đánh giá từ KBNN, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong BCTCNN như chưa tổng hợp đầy đủ thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng nhà nước gồm: các tài sản hạ tầng giao thông đường sắt quốc gia, đường thủy nội địa, hàng không, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng văn hóa thể thao du lịch (thiết chế văn hóa).

Đồng thời, BCTCNN chưa phản ánh đầy đủ, phù hợp giá trị tài sản, nợ phải trả của một số cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc khu vực nhà nước áp dụng chế độ kế toán khác, hoặc chế độ kế toán đặc thù như doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, báo cáo CCTTTC của đơn vị còn sai sót dẫn đến thông tin trên BCTCNN chưa được chính xác. BCTCNN chủ yếu tập trung tổng hợp số liệu mà chưa chú trọng đến phân tích số liệu. BCTCNN chưa được công khai theo quy định tại Luật Kế toán năm 2015.

Từng bước nâng cao chất lượng báo cáo tài chính

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về BCTCNN 2020 đề nghị Chính phủ cần có lộ trình cụ thể để hoàn thiện công tác lập BCTCNN, sớm công khai BCTCNN theo quy định của Luật Kế toán. Theo đó, KBNN đang xây dựng lộ trình hoàn thiện công tác lập BCTCNN nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc để từng bước hoàn thiện BCTCNN các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan thực hiện tổng hợp, lập BCTCNN, KBNN cũng kiến nghị một số giải pháp trọng tâm đó là: Chính phủ cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về BCTCNN; ban hành Chuẩn mực kế toán công Việt Nam; sửa đổi, bổ sung các quy định về việc cung cấp thông tin, tổng hợp, lập BCTCNN; hoàn thiện khung pháp lý về tài sản kết cấu hạ tầng phù hợp với quy định của chuẩn mực công.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu phương án, lộ trình phản ánh giá trị tài sản kết cấu hạ tầng khác (hàng không, đường sắt quốc gia, hàng hải, đường thủy nội địa, thủy lợi…) và tài sản nhà nước khác (di sản…) vào BCTCNN và đẩy nhanh việc theo dõi, quản lý, báo cáo về các tài sản này đảm bảo phù hợp với lộ trình hoàn thiện công tác lập BCTCNN.

Các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm, ủng hộ

Kho bạc Nhà nước cho biết, công tác truyền thông luôn được quan tâm, chú ý trong hơn 3 năm triển khai Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN). Qua đó, các cấp lãnh đạo, tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế…), các chuyên gia trong nước và quốc tế đã hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa của BCTCNN, cũng như chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của Việt Nam trong quá trình lập BCTCNN, từ đó quan tâm, ủng hộ và có những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả (hỗ trợ hoạt động tư vấn, đào tạo, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm…).

Bên cạnh đó, KBNN sẽ thực hiện nâng cấp hệ thống thông tin Tổng kế toán nhà nước, trong đó trước mắt ưu tiên hoàn thiện các mẫu biểu báo cáo đầu vào phù hợp với khung pháp lý hiện hành; đẩy mạnh tự động hóa, giảm thiểu thao tác nhập thủ công trên hệ thống; thiết lập chức năng khai thác, phân tích thông tin báo cáo theo nhiều chiều, đảm bảo tính ổn định và thân thiện với người dùng. Về dài hạn, KBNN tiếp tục hoàn thiện hệ thống theo hướng kết nối/giao diện với hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, kết nối với mạng lưới của chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính nhà nước tập trung để cung cấp số liệu tài chính nhà nước nhanh chóng, chính xác.

Để nâng cao chất lượng BCTCNN, KBNN cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác kế toán trong khu vực nhà nước thông qua đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, cải tổ bộ máy kế toán; đồng thời bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác BCTCNN của hệ thống KBNN, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, phân tích chuyên sâu BCTCNN.

KBNN cũng sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị cung cấp thông tin trong quá trình tiếp nhận báo cáo đầu vào; kịp thời tiếp nhận và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đồng thời, KBNN phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác lập BCTCNN và báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, quản lý trong việc khai thác, sử dụng thông tin tài chính nhà nước trong công tác quản lý, điều hành các nguồn lực tài chính của địa phương, cũng như sự ủng hộ của truyền thông về những khó khăn thách thức trong giai đoạn đầu triển khai lập BCTCNN cũng là một giải pháp được KBNN đưa ra trong thời gian tới để công tác lập, tổng hợp BCTCNN ngày một thuận lợi hơn; chất lượng BCTCNN ngày càng nâng cao hơn.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về báo cáo tài chính nhà nước

Trên cơ sở quy định của Luật Kế toán, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP của Chính phủ về BCTCNN, KBNN đã chủ trì nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý về BCTCNN, ban hành thông tư hướng dẫn lập BCTCNN…

Bên cạnh đó, KBNN cũng chủ động, tích cực phối hợp, tham gia ý kiến với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán nhà nước, đảm bảo nguồn thông tin đầu vào của BCTCNN và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết cho toàn hệ thống để thực hiện công tác tổng hợp và lập BCTCNN các năm 2018, 2019, 2020.

Song song với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách KBNN đã khẩn trương triển khai xây dựng Hệ thống thông tin Tổng Kế toán Nhà nước để chính thức vận hành hệ thống từ tháng 7/2019, kịp thời hỗ trợ đắc lực cho công tác gửi báo cáo của các đơn vị, cũng như công tác tổng hợp, lập BCTCNN đầu tiên năm 2018.

Đặc biệt, KBNN cũng phối hợp với Cục Quản lý giám sát kế toán kiểm toán - Bộ Tài chính tổ chức các lớp đào tạo về báo cáo CCTTTC cho cán bộ kế toán của các bộ, cơ quan trung ương, đơn vị dự toán cấp 1 ở địa phương tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hàng năm tổ chức các lớp đào tạo về tổng hợp, lập, phân tích, thuyết minh, giải trình BCTCNN cho cán bộ kế toán của hệ thống KBNN.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam