Giá xăng giảm sâu, hàng hóa giảm nhỏ giọt khiến người tiêu dùng bức xúc

15:38 | 15/08/2022 Print
(TBTCO) - Thị trường trong nước trong tuần thứ hai của tháng 8/2022 đón nhận tin mừng. Giá xăng dầu giảm lần thứ 5 liên tiếp kể từ đầu tháng 7/2022, kéo giá xăng về ngưỡng còn hơn 23.000 đồng/lít. Tuy nhiên, theo ghi nhận trên thị trường, mặc dù giá xăng dầu giảm sâu, nhưng giá dịch vụ, hàng hóa lại giảm nhỏ giọt, khiến cho người tiêu dùng bức xúc...

Điệp khúc giá tăng nhanh, giảm chậm

Tuần thứ hai của tháng 8/2022, ngoại trừ 2 mặt hàng thép và gas giảm liên tiếp được người tiêu dùng và giới kinh doanh ghi nhận, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng giảm rất nhỏ giọt. Đặt biệt là giá cước vận tải chưa nhúc nhích cho dù giá xăng giảm đến hơn 8.000 đồng/lít so với đỉnh điểm là gần 33.000 đồng/lít.

So với cuối tháng 6/2022, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.210 đồng; E5 RON 92 hạ 7.580 đồng; dầu diesel giảm 7.110 đồng. Với mức giá hiện nay, giá xăng đã trở lại ngưỡng ngang bằng hồi cuối năm ngoái và tháng 1 đầu năm nay.

Theo phản ánh của giới nội trợ, mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh, nhưng thịt lợn, dầu ăn, rau xanh… có mức giảm không đáng kể so với lúc tăng theo giá xăng.

Nguồn: Petrolimex.com.vn
Nguồn: Petrolimex.com.vn

Chị Nguyễn Thanh Hiền (cư trú tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) tỏ ra bức xúc: “Thời gian vừa qua, giá xăng dầu được Nhà nước điều chỉnh giảm mạnh. Nhưng mỗi buổi sáng ra chợ, tôi thấy nhiều loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm vẫn có giá cao. Một số mặt hàng tươi sống thậm chí còn đang tăng. Sau đợt “bão giá xăng dầu”, có không ít mặt hàng hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới.

“Nay giá xăng dầu giảm mạnh nhưng người tiêu dùng chưa được hưởng lợi. Đơn cử như giá 1 kg thịt lợn ba chỉ vẫn ở mức hơn 170.000 đồng/kg, gần như không nhúc nhích so với tuần trước” - chị Hiền nói.

Không chỉ là mặt hàng thực phẩm, mà nước uống tinh khiết tưởng như ít tác động do giá xăng cũng bị tiểu thương, người kinh doanh “tát nước theo mưa” mà không chịu giảm giá. Anh Văn Nam, công tác tại một cơ quan nhà nước cho biết, hàng tháng mua hơn 10 bình nước tinh khiết có trọng lượng 18,5 lít cho đơn vị, khi giá xăng tăng thì giá nước cũng tăng theo, nay xăng dầu giảm mạnh nhưng giá bán vẫn là 68.000 đồng/bình.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giá xăng dầu đã giảm sâu cả tháng qua, thì giá nhiều mặt hàng vẫn không giảm, đặc biệt là giá dịch vụ vận tải là điều bất thường.

TS. Lê Đăng Doanh bình luận, doanh nghiệp họ cần có “độ trễ” trong điều chỉnh giá cả phù hợp với giảm giá xăng dầu thời gian vừa qua. Tuy nhiên, “độ trễ” này chỉ nên kéo dài từ 1 - 2 tuần, nhiều là 3 tuần, còn nếu kéo dài hơn nữa thì rất phi lý và phải được các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý. "Nhất là đối với các dịch vụ giao thông vận tải, theo tôi không có một đơn vị nào dự trữ xăng dầu đến 1 - 2 tháng cả. Việc hàng hoá tiêu dùng thiết yếu không giảm sẽ tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022" - TS. Lê Đăng Doanh nói.

Thiết lập phương án giá theo đúng chi phí hợp lý

Để kéo giá tiêu dùng xuống theo giá xăng, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, bên cạnh việc đảm bảo cung cầu hàng hoá, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, thì cần thiết kiểm soát, giảm giá từ các khâu trung gian.

Để hạ nhiệt giá hàng hoá nhanh chóng, ông Phú đã nhấn mạnh đến việc giảm chi phí ở khâu trung gian, rà soát lại các yếu tố hình thành giá cả. Tránh trường hợp nhà cung cấp trung gian được hưởng lợi quá nhiều, trong khi nhà sản xuất chưa chắc đã lãi cao và đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh phải mua hàng hóa giá đắt đỏ. Ví dụ, 1 kg thịt lợn, từ trang trại đến bán lẻ, tăng giá lên tới 70%. Rõ ràng 3 - 4 khâu trung gian đẩy giá lên, nên chúng ta phải xem xét vì đó là các yếu tố tồn tại lâu rồi, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá.

Tăng giá bất hợp lý sẽ bị xử lý nghiêm

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp đề nghị tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương triển khai các nhiệm vụ như cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý...

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, khâu trung gian không thể “ăn” chênh lệch quá nhiều. Bởi trên thực tế đã có tình trạng đơn vị thu mua đã ép giá nông dân, trong khi họ luôn là người yếu thế. Ông Lực đề cập đến vấn đề đạo đức kinh doanh, bên cạnh đó cũng cần có chế tài để xử lý. Đặc biệt, việc xử lý này phải công khai, minh bạch để người tiêu dùng biết được khâu nào đã khiến giá hàng hóa đội lên cao, từ đó có biện pháp xử lý đúng và trúng.

“Để hàng hoá hạ nhiệt nhanh chóng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của bộ ngành liên quan, nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh... mà nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vẫn đang tính toán gộp luôn vào giá thành sản phẩm” - TS Cấn Văn Lực bình luận.

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, hệ thống pháp luật có Luật Giá và Luật Cạnh tranh. Nhà nước cần có quy định khung giá để bảo vệ được người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp. Như quy định về mức giá sàn trong trường hợp có nhiều người mua, người bán nhưng chỉ có một người mua - độc quyền về mua thì chúng ta phải có giá sàn. Ngược lại, có ít người bán nhưng lại có nhiều người mua thì phải áp dụng giá (chợ). Như vậy dùng các biện pháp về giá và luật cạnh tranh đưa ra áp dụng và phải kiểm soát việc thực thi, nghĩa là thường xuyên kiểm tra giám sát, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm.

Diệu Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam