Đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng

22:48 | 15/08/2022 Print
(TBTCO) - Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng; đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Phấn đấu ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố Hà Nội

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của nghị quyết, xác định rõ trách nhiệm cụ thể và cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đề ra; gắn việc thực hiện kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ khác của mỗi ngành, mỗi địa phương, của thành phố và quốc gia.

Kế hoạch cũng nêu rõ đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố. Đồng thời, thành phố dự kiến tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng gồm du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thiết kế…

Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển CNVH trên các lĩnh vực; xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích cho người dân và doanh nghiệp các cơ chế hợp tác công - tư trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển văn hóa; khuyến khích xây dựng, hình thành, phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức hợp tác công - tư để phát triển văn hóa.

Đến năm 2030, ngành CNVH Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực; phấn đấu doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố; duy trì phát triển ổn định, bền vững các ngành: Du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực…

Đến năm 2045, ngành CNVH Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác; là tiền đề để xây dựng Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa và bền vững; trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hiến, văn minh, hiện đại và sáng tạo, ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực; hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng có tầm cỡ khu vực và thế giới; phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.

Về nội dung thực hiện, UBND TP. Hà Nội đề nghị các sở, ngành, đơn vị, tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về CNVH. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Cùng với việc tuyên truyền, xây dựng chính sách, TP. Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực như xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ kế cận có trình độ chuyên môn cao, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành CNVH trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhà sáng tạo, văn nghệ sỹ, nghệ nhân… có quá trình cống hiến, đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển văn hóa và CNVH Thủ đô...

Kinh phí thực hiện kế hoạch từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành và nguồn huy động hợp pháp khác. TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài chính Hà Nội, trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan, đơn vị có liên quan, tổng hợp tham mưu báo cáo UBND thành phố về việc bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên ngân sách thành phố để thực hiện các nhiệm vụ được UBND thành phố giao tại kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam