Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi):

Giao thẩm quyền cho Thủ tướng phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí để rành mạch về trách nhiệm

13:41 | 16/08/2022 Print
(TBTCO) - Sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chính phủ đề xuất nâng ưu đãi để thu hút đầu tư vào các dự án dầu khí Thủ tướng thúc đẩy dự án dầu khí hợp tác với tập đoàn lớn của Hoa Kỳ Cần cơ chế đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí

Đề nghị phân cấp thẩm quyền phê duyệt hợp dầu khí

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật. Đến nay, nhiều vấn đề đã thống nhất, như tên gọi, phạm vi điều chỉnh, điều tra cơ bản về dầu khí..., còn hai vấn đề ý kiến vẫn còn khác nhau là phê duyệt hợp đồng dầu khí và chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu.

Luật Dầu khí
Toàn cảnh phiên họp

Về phê duyệt hợp đồng dầu khí, một số ý kiến cho rằng việc giao Tập đoàn Dầu khí (PVN) phê duyệt hợp đồng dầu khí không bảo đảm khách quan trong trường hợp PVN tham gia với tư cách nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí. Vì vậy, đề nghị trong luật quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; giao Bộ Công thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí; trên cơ sở đó, PVN ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí. Đồng thời, bỏ quy định về việc Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách. Đây là phương án cơ quan thẩm tra ủng hộ.

Ý kiến khác thì cho rằng, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí như dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Lý do là bởi hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển...

Phê duyệt 2 bước, trách nhiệm không rõ ràng

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu của việc phê duyệt hợp đồng dầu khí là phải rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền. Theo Chủ tịch Quốc hội, phương án 1 là chưa rõ, chưa rành mạch trách nhiệm Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương.

CTQH
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Quy định như phương án 1, theo Chủ tịch Quốc hội, có thể kéo dài thời gian phê duyệt. Hơn nữa, hợp đồng dầu khí rất quan trọng với Nhà nước, nhà đầu tư dầu khí, quyền nghĩa vụ các bên trong thăm dò, khai thác, có tính chất rất dài hạn, 20 - 30 năm. Trong quá trình đó, tranh chấp hợp đồng, rủi ro trong hợp đồng có thể phát sinh nhiều.

“Hợp đồng rất quan trọng, ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ, có tính chất dài hạn hàng chục năm. Quá trình đó có thể có tranh chấp, rủi ro. Quy định thành 2 bước phê duyệt thì sau này ai chịu trách nhiệm? Một việc chỉ nên giao một người” - Chủ tịch Quốc hội phân tích và đề nghị nên giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng, còn phân cấp thì luật quy định nguyên tắc cơ bản để Bộ Công thương chịu trách nhiệm.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị giữ phương án 2 như dự thảo đã trình. Theo Bộ trưởng, tại dự thảo luật, Chính phủ đã phân cấp nhiều nội dung cho Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chỉ còn một số nội dung rất quan trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt/chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ gồm: kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung hợp đồng dầu khí, gia hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt, chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí.

Bên cạnh đó, hợp đồng dầu khí là thoả thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư (nhà thầu dầu khí) có thời hạn rất dài (hơn 30 năm), có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Các điều khoản của hợp đồng dầu khí liên quan mật thiết với nhau, do đó rất khó phân định các điều khoản chính, điều khoản phụ.

Do vậy, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp thực tiễn hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Bộ Tư pháp cũng thống nhất với quan điểm này của Bộ Công thương.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, hợp đồng dầu khí là quan trọng nhất. Tất cả các tranh chấp đều liên quan đến hợp đồng. Hợp đồng quyết định cho tất cả, nhà đầu tư chỉ biết hợp đồng và Chính phủ bị ràng buộc cũng bởi hợp đồng. Với tầm quan trọng như vậy, ông Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục rà soát căn cứ pháp lý, thực tiễn, đánh giá đẩy đủ, toàn diện các tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ ưu, nhược điểm của 2 loại ý kiến phân cấp phê duyệt hợp đồng dầu khí và xin ý kiến của Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách, các đoàn đại biểu Quốc hội để lựa chọn phương án phù hợp.

Hai luồng ý kiến về cơ chế tài chính khai thác mỏ dầu khí khai thác tận thu

Về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về cơ chế tài chính “chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không cần quy định về việc tách riêng khoản thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu dầu khí nộp về NSNN trước khi thực hiện thu nộp NSNN khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện hoạt động này. Hơn nữa, quy định như vậy mới tạo cơ chế đột phá mang tính khả thi để khai thác tận thu tài nguyên dầu khí, tạo nguồn thu cho NSNN, kể cả trong trường hợp doanh thu trừ chi phí thấp hơn thuế tài nguyên phải nộp. Ủy ban Kinh tế ủng hộ phương án này.

Còn theo loại ý kiến thứ 2, để bảo đảm chắc chắn hằng năm NSNN có thể dự toán và thu được khoản thu nhất định từ khai thác tài nguyên đối với mỏ khai thác tận thu dầu khí, đề nghị việc thực hiện chính sách chênh lệch giữa doanh thu và chi phí được nộp vào NSNN sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên (theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên) và thuế xuất khẩu dầu khí. Thực tế đã triển khai thu thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu dầu khí đối với mỏ tận thu Sông Đốc từ năm 2017 đến nay.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam