Thị trường bất động sản đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022 -2023

08:25 | 17/08/2022 Print
(TBTCO) - Theo các chuyên gia, trong giai đoạn 2022 - 2023, thị trường bất động sản tiếp tục đối diện với nhiều thách thức mới như: nguồn cung chưa dồi dào do thị trường ngày càng thận trọng; giá năng lượng, nguyên vật liệu có khả năng còn tăng.

Nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng tới thị trường

Ngày 16/8, Tạp chí điện tử TheLEADER tổ chức “Diễn đàn bất động sản (BĐS) 2022: Những vùng đất tiềm năng” tại Hà Nội. Chia sẻ tại sự kiện, ông Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, kinh tế thế giới phục hồi không đều, rủi ro thách thức tăng (chiến tranh dịch bệnh, giá cả lạm phát tăng, rủi ro tài chính tăng, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực).

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm 2022 lại khả quan hơn, đang trở về trạng thái gần như trước dịch, thậm chí, một số lĩnh vực còn cao hơn trước dịch, đơn cử như tiêu dùng hay chế biến chế tạo ghi nhận tăng trưởng khả quan. Khối doanh nghiệp cũng phục hồi tích cực.

Thị trường bất động sản đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022 -2023
Quang cảnh diễn đàn

Tuy nhiên, dư nợ tín dụng BĐS vẫn ở mức cao. Hết tháng 6/2022, nguồn vốn BĐS tăng 14%, tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng tín dụng toàn hệ thống và tăng 14,07% so với cuối năm 2021, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống và cùng kỳ các năm trước. Trong đó, tín dụng đối với BĐS kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS; tín dụng BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS. Nợ xấu lĩnh vực BĐS khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2021.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, trong năm 2022 - 2023, các thách thức bao gồm kinh tế thế giới và Việt Nam phục hồi còn nhiều bấp bênh, tác động đến thương mại, đầu tư và du lịch, BĐS; nguồn cung chưa dồi dào ngay; giá năng lượng, nguyên vật liệu còn tăng. Vì vậy, Chính phủ, cơ quan quản lý chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn.

Do đó, doanh nghiệp BĐS cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ; chú trọng phục hồi xanh, tăng trưởng xanh; chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới; thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro. Cùng với đó là đầu tư trung - dài hạn, thay vì lướt sóng, đánh quả.

Cũng theo ông Lực, ngoài tín dụng, doanh nghiệp BĐS cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác (phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chương trình ESOP, cổ phiếu quỹ, quỹ REIT, trái phiếu công trình; thuê tài chính…).

Ngoài ra, DN cần hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết, chuẩn hóa đội ngũ quản lý và nhân sự bán hàng, dịch vụ…; Không chỉ vậy, cần huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể và tích cực, chủ động kiến nghị, phản biện chính sách.

Bất động sản phòng thủ lên ngôi

Theo chuyên gia, nguồn cung hiện tại chủ yếu tập chung ở phân khúc nghỉ dưỡng và đất đấu giá các tỉnh. Nguồn cầu lại bị phân hóa, nhu cầu thực cao, nhu cầu đầu tư bão hoà, nhu cầu đầu cơ biến mất, BĐS “phòng thủ” lên ngôi.

BĐS "phòng thủ" là BĐS phục vụ nhu cầu thật như: chung cư, khu công nghiệp, phụ trợ khu công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển.

Hơn nữa, BĐS đầu cơ - dựa vào qui hoạch, phân lô tách sổ,.. để đầu cơ thổi giá sẽ hết đất diễn vì pháp lý siết chặt, dòng tiền không còn dễ dãi.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch BHS Group, cũng chỉ ra 4 yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường bất động sản hiện nay. Thứ nhất là mặt bằng giá BĐS tăng khá nhanh. Theo thống kê, Hà Nội có những dự án đất nền phía Tây đang từ 30 - 35 triệu đồng lên đến trên 100 triệu đồng/m2.

Thứ hai là vấn đề tín dụng, ông Tuyển cho biết: “Chúng tôi từng triển khai các dự án đã ký hợp đồng mua bán nhưng ngân hàng dừng giải ngân do hết room tín dụng. Đây là điều đang ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản của thị trường và khả năng chi trả của nhà đầu tư”.

Thứ ba là chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng lên rất cao, góp phần đẩy giá bất động sản.

Thứ tư là “bóng ma” lạm phát đang ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Căn hộ bình dân đã biến mất

Ở góc độ đơn vị nghiên cứu thị trường, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Vietnam, cũng cho biết thị trường căn hộ trong 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung mới dần phục hồi với dự dẫn dắt của phân khúc cao cấp. Sau khi lập đỉnh, kể từ năm 2020 đến nay, nguồn cung căn hộ ra thị trường đã sụt giảm do nhiều yếu tố dịch bệnh, pháp lý.

Trong nửa đầu năm 2022, nguồn cung vẫn ở mức thấp. CBRE ước tính thị trường Hà Nội tung ra khoảng 8.000 căn. Thị trường TP. Hồ Chí Minh có sự phục hồi tốt hơn với khoảng 16.000 căn hộ, đã vượt qua cung của cả năm 2021.

Sự xuất hiện của căn hộ bình dân ngày càng thưa thớt. Tại Hà Nội năm nay không còn căn hộ bình dân. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, căn hộ bình dân đã biến mất trong 3 năm trở lại đây và CBRE dự báo trong 3 năm tới cũng không xuất hiện trở lại.

Thị trường bất động sản đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022 -2023

Đại diện CBRE cho biết thêm, việc nguồn cung hạn chế dẫn tới mức hấp thụ các sản phẩm bất động sản rất cao. Tại thị trường Hà Nội, trong nửa đầu năm nay, số lượng căn hộ bán được vượt nguồn cung chào bán mới. Tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ hấp thụ có sụt giảm đôi chút, nhưng vẫn cao, ở mức 70 – 75%. Việc tỷ lệ hấp thụ sụt giảm đến từ nguyên nhân các sản phẩm định vị cao cấp, giá quá cao.

Đánh giá xu hướng đầu tư bất động sản trong nửa cuối năm 2022 và 3 năm tới, bà Dương cho rằng xu hướng hình thành các đô thị và đại đô thị tại các khu vực vùng ven quy mô từ 70 ha trở lên. Hiện tại Hà Nội đang đi trước TP. Hồ Chí Minh khi phát triển rất nhiều đại đô thị nằm ngoài trung tâm. Việc Hà Nội đi trước đến từ khả năng kết nối rất tốt các khu vực vùng ven với trung tâm thành phố. Chẳng hạn, việc triển khai hạ tầng đã giúp thời gian di chuyển từ trung tâm Hà Nội tới Hưng Yên giảm từ hơn 1 tiếng xuống chỉ còn 30 – 45 phút.

Tại TP. Hồ Chí Minh, xu hướng mới nổi lên thời gian gần đây. Hiện tại mới chỉ 2 đường hoàn thiện là cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương nên các dự án mới tập trung ở 2 đường vành đai này. Trong tương lai, xu thế mở rộng sang khu vực Đồng Nai, Long An. Chính vì sự khan hiếm quỹ đất, các dự án có kết nối tốt có giá bán rất cao, liên tục lập đỉnh những năm vừa qua.

Nhà đầu tư có xu hướng "Bắc tiến"

Đại diện CBRE dự báo, từ nay đến 2025, nguồn cung Hà Nội là 8.000 căn, trong khi TP. Hồ Chí Minh chỉ 600 căn. Nguồn cung hạn chế sẽ dẫn tới xu hướng các nhà đầu tư bất động sản có xu hướng đi ra khu vực khác để đầu tư thay vì chỉ tập trung ở TP. Hồ Chí Minh, có thể “Bắc tiến”.

Bên cạnh đó, bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ hình thành các đại dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, phức hợp quy mô lớn, tích hợp vô số tiện nghi, tiện ích cho khách nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, với số lượng sản phẩm chào bán ra cũng rất lớn, mức tiêu thụ của thị trường nghỉ dưỡng vẫn là một dấu hỏi.

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam