Nâng cao nhận thức về khai thác tài nguyên nước bảo vệ môi trường tại miền Trung - Tây Nguyên

10:56 | 17/08/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 16/8/2022, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo với chủ đề "Truyền thông, nâng cao nhận thức về khai thác bền vững tài nguyên nước và bảo vệ môi trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên".

Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên vững mạnh và phong phú cả về lượng mưa lẫn nguồn nước mạch trong các hệ thống sông, hồ. Hệ thống nguồn nước mạch từ các sông, suối phân bố trải dài khắp các biên giới thuộc địa bàn toàn bộ các tỉnh giáp biên giới từ Bắc vào Nam.

Nâng cao nhận thức về khai thác tài nguyên nước bảo vệ môi trường tại miền Trung - Tây Nguyên
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TL

“Những năm qua, các nước ở vùng thượng lưu thường xây dựng các công trình thủy điện truyền nước và xây dựng nhiều công trình lấy nước gây nguy cơ nguồn nước chảy về Việt Nam ngày càng sút giảm và khó chủ động về nguồn nước. Đáng chú ý, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước, nhất là biến đổi khí hậu đang góp phần tạo nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho biết, hội thảo là cơ hội để các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia về môi trường cùng tìm ra các giải pháp và tiến tới xây dựng, ban hành tài liệu truyền thông đa phương tiện về bảo vệ môi trường, khai thác bền vững tài nguyên nước… Đồng thời, đây cũng là dịp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, năng lực thực thi chính sách pháp luật của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp liên quan đến khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước thường xuyên biên giới và hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

Đại diện Trung tâm Truyền thông TN&MT cũng lưu ý, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau, thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành. Do đó, sẽ có nhiều lúng túng nhất định trong tổ chức triển khai tại các cơ quan quản lý các cấp và các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo đó, năm 2022, Bộ TN&MT đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định, chính sách mới của luật và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức, người dân, cộng đồng, doanh nghiệp. Thông qua hội thảo cũng giúp các địa phương cập nhật các quy định mới cũng như hiểu rõ hơn mục tiêu, tinh thần của luật và các văn bản hướng dẫn giúp việc triển khai thực hiện được chính xác và thống nhất.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và đóng góp ý kiến, tham luận liên quan các nội dung: vấn đề an ninh nguồn nước, thực trạng nguồn nước quốc gia, nguồn nước xuyên biên giới hiện nay - cơ chế, chính sách và giải pháp; quy định mới về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; hướng dẫn về công tác quản lý chất thải - chính sách và giải pháp.

Cẩm Tú

© Thời báo Tài chính Việt Nam