Dòng tiền mạnh sẽ "thúc" VN-Index tiến về mốc 1.300 điểm trong tháng 8?

08:23 | 17/08/2022 Print
(TBTCO) - Áp lực chốt lời dự báo sẽ còn tăng khi mà VN-Index duy trì chuỗi phiên tăng tốt kể từ cuối tháng 7. Tuy nhiên, với trợ lực của dòng tiền và sự luân chuyển tích cực ở các nhóm ngành, thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng sẽ tiến lên mốc 1.300 điểm trong tháng 8 này,

Áp lực chốt lời có thể khiến thị trường giằng co, phân hóa

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/8/2022, VN-Index đạt 1.274,69 điểm, tăng tới 68,36 điểm so với phiên cuối tháng 7. Về cơ bản, thị trường chứng khoán trong nước vẫn đang trong nhịp hồi kể từ phiên 28/7 tới nay. Mặc dù vậy, kể từ giữa tuần trước, thị trường đã xuất hiện áp lực chốt lời gia tăng.

Dòng tiền mạnh sẽ
Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm 2022 tới nay.

Một số ý kiến cho rằng, nhịp tăng của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ chịu áp lực điều chỉnh ngày càng lớn hơn khi áp lực chốt sẽ còn gia tăng và thị trường đi vào giai đoạn vùng trũng thông tin hỗ trợ.

Trên thực tế, chỉ số VN-Index đã tăng 5 tuần liền và hồi lại hơn 10% nhưng các cổ phiếu có thể hồi 20 – 30%, do vậy áp lực chốt lời sẽ thường xuyên diễn ra cũng như thị trường có những nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh cả phiên là hoàn toàn bình thường.

Theo ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, chỉ số VN-INDEX đang tiến sâu vào vùng kháng cự mạnh 1.260 - 1.280 điểm, kéo theo áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh thị trường sắp bước vào giai đoạn “trống thông tin” từ nay tới cuối tháng 9 sau khi kết quả kinh doanh quý II/2022 của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã được công bố, thì thị trường cần nhịp nghỉ tại vùng quanh 1.260 điểm trước khi tích lũy đủ xung lực để có thể bứt phá qua vùng 1.260 - 1.280 điểm. Trong bối cảnh đó, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu. “Vì vậy, việc tìm kiếm “lợi nhuận ngắn hạn” là không hề dễ dàng và phụ thuộc lớn vào khả năng lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư” – ông Đinh Quang Hinh nói.

Trên thực tế, áp lực chốt lời đã phần nào được thể hiện khá rõ trong 2 phiên giữa tuần trước (10 và 11/8) làm chỉ số VN-Index giằng co và đóng cửa giảm nhẹ. Thanh khoản mặc dù vẫn ở mức tốt so với trước đây, nhưng cũng có dấu hiệu “chùng nhẹ” so với tuần đầu tháng 8. Bên cạnh đó, giao dịch của khối ngoại cũng giảm bớt sự tích cực, khi con số mua ròng đang hạ dần, từ đó tác động một phần tới tâm lý của nhà đầu tư trong nước.

VN-Index có cơ hội tiến đến mốc 1.300 điểm

Đánh giá về thị trường phiên 16/8, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường đóng cửa trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” nhưng vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Áp lực chốt lời tăng sau chuỗi phiên tăng tốt, nhưng thị trường vẫn vượt qua được thì đó là biểu hiện của thị trường khỏe.

Triển vọng để thị trường hướng về ngưỡng 1.300 điểm vẫn còn nguyên vẹn khi các thông tin cả trong và ngoài nước không có gì bất lợi cho thị trường lúc này.

Theo các chuyên gia này, có thể còn có những nhịp chốt lời như đã diễn ra nhưng khi dòng tiền “xoay tua” mà vẫn có nhiều cổ phiếu tăng trần ở nhóm cổ phiếu đó thì đó là dấu hiệu của thị trường mạnh. Nhiều khả năng dòng tiền sẽ còn luân chuyển sang nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, năng lượng, … trong các phiên tới. “Triển vọng để thị trường hướng về ngưỡng 1.300 điểm vẫn còn nguyên vẹn khi các thông tin cả trong và ngoài nước không có gì bất lợi cho thị trường lúc này” – chuyên gia của MBS cho hay.

Thị trường chứng khoán toàn cầu nối dài chuỗi tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp nhờ cú huých từ lạm phát đang có dấu hiệu qua đỉnh, một số nhà đầu tư đã bắt đầu tin rằng những diễn biến tồi tệ nhất của năm nay đã ở lại phía sau. Ở thị trường lớn nhất thế giới, chỉ số S&P 500 đã có 4 tuần tăng liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2021. Động lực tăng của thị trường là số liệu của Mỹ cho thấy lạm phát ở nước này đã yếu đi. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones cũng lần đầu tiên đóng cửa trên mức bình quân 200 ngày - một ngưỡng điểm được xem là chỉ báo quan trọng về xu hướng của thị trường.

Dòng tiền mạnh sẽ
Áp lực chốt lời tăng, nhưng VN-Index vẫn "còn cửa" tiến về 1.300 điểm. Ảnh: Minh họa.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước thậm chí đã “chạy trước” so với phần lớn các thị trường lớn khác khi đang có chuỗi tăng sang tuần thứ 6 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ đầu năm 2021. Chỉ số VN-Index đã hồi hơn 11,5% kể từ đáy nhưng vẫn còn thua xa so với tốc độ hồi phục của thị trường Mỹ.

“Động lực chính giúp thị trường phục hồi là sự trở lại của dòng tiền lớn. Theo thống kê, kể từ đầu tháng 8 đến nay, thanh khoản trên toàn thị trường đã đạt trên 19.000 tỷ đồng/phiên, cao nhất 4 tháng, qua đó cũng xác nhận mức đáy thanh khoản đã rơi vào tháng 7 với mức bình quân chỉ 13.000 tỷ đồng/phiên” – chuyên gia này cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, thanh khoản bình quân trên toàn thị trường kể từ đầu năm vẫn ở mức tương đương. Thanh khoản cũng chỉ mới tăng rõ ở nửa đầu tháng 8 nên trong kịch bản chỉ số có tích lũy hoặc phân phối thì dòng tiền vẫn được duy trì ở mức hiện tại hoặc có thể cao hơn, do vậy chưa phải lúc để lo ngại dòng tiền chốt lời và giảm đi.

“Cho tới cuộc họp vào tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn còn thêm 1 báo cáo việc làm và báo cáo lạm phát tháng 8 trước khi có đợt tăng lãi suất tiếp theo, do vậy thị trường vẫn còn dư địa để duy trì đà phục hồi. Ở trong nước, cũng không có thông tin gì bất lợi cho thị trường, sự luân chuyển của dòng tiền sẽ là tín hiệu quyết định đến cơ hội đầu tư, do vậy dòng tiền quan tâm ở nhóm cổ phiếu nào thì cứ nắm giữ cổ phiếu đó. Nhiều cổ phiếu vẫn đang có cơ hội tăng, dòng tiền vẫn hoạt động mạnh nhưng biên lợi nhuận sẽ không “dày” nhưng ở các tuần trước đó. Do vậy, chốt dần ở các cổ phiếu đã tăng mạnh và cơ cấu danh nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều có thể là chiến lược để đón đầu sự luân chuyển của dòng tiền trong các tuần sắp tới” – chuyên gia này khuyến nghị./.

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam