"Room” tín dụng cạn dần, nguy cơ tín dụng đen nảy nở

15:19 | 17/08/2022 Print
(TBTCO) - Các ngân hàng đang cạn dần không gian cho vay do hạn mức tăng trưởng tín dụng - “room”tín dụng được cấp cạn dần. Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân vẫn rất lớn và điều này cảnh báo sự bùng phát của tín dụng đen.

Vòng vo chuyện về “room”

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Đây là chỉ tiêu khá phù hợp, nếu nhìn vào thực tế tăng trưởng của các năm trước, cụ thể tăng trưởng tín dụng thực tế của năm 2021 là 13,53%, tăng trưởng năm 2020 là 12,13%, năm 2019 là 13,5%...

Tuy nhiên, nhu cầu vay của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2022 đã có nhiều đổi khác so với các năm trước. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế theo đó tăng trưởng khá nhanh so với mức tăng trưởng 6,47% cùng kỳ năm 2021. Với nhu cầu tín dụng như trên, nhu cầu vay có thể sẽ đạt quy mô và tốc độ nhanh hơn khá nhiều so với năm ngoái, theo đó, “room” nếu không được mở thì tình trạng cung ít cầu nhiều diễn ra là điều tất yếu. Thực tế thời gian qua cũng có khá nhiều ý kiến từ phía các ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nới “room” để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồ họa: Văn Chung

Thậm chí, dư luận còn có những ý kiến “chỉ trích” về việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ “room” – là một công cụ có tính chất hành chính áp đặt, phi thị trường. Về vấn đề này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cũng từng giải thích, “room” đúng là một công cụ hành chính, nhưng việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng “room” cũng trên tinh thần đúc kết kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. “Kể cả nhiều nước đã có nền kinh tế thị trường hàng trăm năm cũng vẫn có lúc phải sử dụng các công cụ hành chính để điều hành” - ông Tú nói.

Nhìn lại lịch sử những năm trước đây, có những giai đoạn tín dụng tăng trưởng rất cao, ví dụ cả một giai đoạn từ 2001 – 2007, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng bình quân trên 30%, năm cao kỷ lục là 51,54% (2006). Hệ quả là, trong giai đoạn tiếp theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó có việc phải đưa ra công cụ hành chính là “room” để hạn chế tăng trưởng nhằm kiểm soát các rủi ro từ việc ngân hàng cho vay quá nhiều.

Nguy cơ tín dụng đen

Nói thêm về vấn đề “room” tại thời điểm tháng 6/2022, ông Đào Minh Tú cho biết, việc mở “room” của Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm nào là nghiệp vụ điều hành bình thường, nhưng theo ông Tú, việc “room” còn ít cũng là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại nợ, sử dụng hiệu quả phần hạn mức đang được cấp, hướng vào các khoản vay có chất lượng.

Với bối cảnh hiện tại, việc vẫn phải sử dụng công cụ “room” để kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết, đặc biệt kiểm soát an toàn của hệ thống ngân hàng là yêu cầu khá quan trọng. Bài học về những con số tăng phi mã của nợ xấu sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng cũng vẫn còn chưa dễ quên.

Bài học bùng phát nợ xấu sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng

Nhìn lại các con số nợ xấu thời kỳ “đỉnh cao” cho thấy, tốc độ tăng trưởng nợ xấu lên tới mức cao 51% trong giai đoạn 2008 - 2011, gấp hai lần tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của cùng giai đoạn. Nợ xấu gia tăng giá trị lên đến 85.000 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ và tiếp tục tăng lên 4,86% tổng dư nợ vào cuối năm 2012. Sau đó, ngành Ngân hàng phải trải qua những giai đoạn “chật vật” tái cơ cấu – đáng chú ý là sự kiện mua lại 3 ngân hàng 0 đồng vào năm 2015 – nợ xấu mới dần giảm xuống về mức 2,46% vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên, việc siết tín dụng quá chặt so với nhu cầu nền kinh tế khiến cho thực tế thị trường đang dần xuất hiện nhiều ý kiến than phiền của doanh nghiệp và người dân về việc ngày càng khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong đó, đại diện một số hiệp hội ngành nghề cũng đã lên tiếng về những khó khăn của doanh nghiệp do không vay được vốn phục vụ kinh doanh. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng bị siết “room” tín dụng nên doanh nghiệp xây dựng đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Theo đó, đại diện Hiệp hội Nhà thầu vừa qua cũng có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.

Đặc biệt, thực trạng doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận vốn ngân hàng cũng đặt ra những lo ngại về tình trạng “tín dụng đen” có thể bùng phát trong thời gian tới. Mới đây, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 người để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Xác định bước đầu của cơ quan điều tra, 4 bị can cho một nạn nhân vay tổng cộng 550 triệu đồng với lãi suất lên tới

365 - 730%/năm, thu lợi bất chính hơn 130 triệu đồng. Trước đó vào giữa năm 2022, Công an TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) cũng tạm giữ hình sự 7 nghi can để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, với lãi suất cho vay lên tới 360%/năm.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam