Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Dấu ấn hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính

14:35 | 17/08/2022 Print
(TBTCO) - Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, thời gian qua, cùng với việc triển khai mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung nguồn lực để tích hợp, mở rộng cung cấp các dịch vụ công (DVC) góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với vị trí top 3 trong Bảng xếp hạng 17 bộ, ngành có cung cấp DVC.

100% DVC của ngành được thực hiện ở mức độ 4

Tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số vừa được tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021. Theo đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xếp thứ 3 trong Bảng xếp hạng 17 bộ, ngành có cung cấp DVC, tăng 01 bậc so với DTI năm 2020.

Cụ thể, BHXH Việt Nam xếp thứ 3/17 với 0,5747 điểm. DTI của các bộ, ngành có cung cấp DVC gồm 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. Trong đó, BHXH Việt Nam có nhiều chỉ số chính đạt thứ hạng cao như: Nhân lực số xếp thứ 1; hoạt động chuyển đổi số xếp hạng thứ 2 và nhận thức số xếp hạng thứ 3.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, giúp người dân và doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí trong thực hiện các giao dịch về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan BHXH, BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và bổ sung các DVC trực tuyến cập nhật trên Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử đã tiếp nhận gần 55 triệu hồ sơ (chiếm 82,8% tổng số hồ sơ tiếp nhận).

Cán bộ BHXH hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số. Ảnh: Kim Hoàng
Cán bộ BHXH hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số. Ảnh: Kim Hoàng

Đặc biệt, 100% DVC của ngành được thực hiện ở mức độ 4, người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 thông qua Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia, các nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN), ứng dụng VssID - BHXH số (dành cho cá nhân).

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 06/CP về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện việc kết nối sử dụng dịch vụ "Xác nhận thông tin hộ gia đình" và triển khai dịch vụ "Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng" trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và tích hợp trên Cổng DVC quốc gia.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho người lao động, BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành DVC “Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe”, tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia và Cổng DVC của ngành, chính thức áp dụng, triển khai thực hiện từ ngày 15/6/2022.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án 06/CP

Ông Chu Mạnh Sinh- Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam cho biết, hiện BHXH Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Đến 31/7/2022, hệ thống công nghệ thông tin của ngành đã xác thực 48.272.089 thông tin nhân khẩu (bao gồm cả nhân khẩu có số CMND và CCCD) có trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Toàn quốc đã có 7.308 cơ sở khám chữa bệnh triển khai sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh BHYT. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới và triển khai rộng rãi ứng dụng “VssID- BHXH số”.

Trên 1 triệu 354 lượt sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID

Tính đến 31/7/2022, trên toàn quốc đã có 26.381.733 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 737.807 người với 1.354.110 lượt sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh).

Có thể nói, với vị trí thứ 3 trong Bảng xếp hạng các bộ, ngành có cung cấp DVC (năm 2021), BHXH Việt Nam tiếp tục khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Tại Kế hoạch số 3035/KH-BHXH về thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 của ngành BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã yêu cầu toàn ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính đồng bộ, thống nhất ở các lĩnh vực: TTHC, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Riêng mục tiêu cụ thể về cải cách TTHC, đến năm 2025, ngành BHXH cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020. Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ thanh toán trực tuyến của các TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính đạt từ 30% trở lên; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; 100% hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết TTHC được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%.../.

Quang Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam