Kỳ vọng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp sẽ được triển khai hiệu quả tại Gia Lai

13:02 | 18/08/2022 Print
(TBTCO) - Ngày 17/8, Đoàn công tác của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về tình hình triển khai thực hiện Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Buổi làm việc có ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, cùng đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp như: Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm Quân đội.

Về phía tỉnh Gia Lai, có sự tham dự của đại diện Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng đại diện các đơn vị có liên quan tại địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ các đơn vị triển khai

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Công Lâm - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn về việc triển khai quyết định này. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương có liên quan đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai.

Kỳ vọng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp sẽ được triển khai hiệu quả tại Gia Lai
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Duy Thái.

Lãnh đạo Sở Tài chính cũng thông tin thêm, hiện sở đã xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 58, Quyết định số 13 và dự thảo quyết định về việc công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như tiến hành triển khai lấy ý kiến tham gia dự thảo kế hoạch.

Tiếp đó, ngày 4/8/2022, UBND tỉnh đã có văn bản về việc triển khai Quyết định số 13, trong đó, UBND tỉnh đã đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu kỹ, tham gia ý kiến vào dự thảo kế hoạch và dự thảo quyết định của Sở Tài chính và chịu trách nhiệm về đề xuất của mình.

Đến thời điểm ngày 16/8, nhiều địa phương của tỉnh gửi ý kiến với tinh thần đều thống nhất với dự thảo kế hoạch triển khai về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và quyết định công bố địa bàn được hỗ trợ.

Theo dự thảo quyết định về việc công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tỉnh sẽ triển khai hỗ trợ phí bảo hiểm đối với cây cao su tại 11 địa phương; cây hồ tiêu tại 13 địa phương, cây điều tại 14 địa phương; riêng đối với vật nuôi là trâu, bò sẽ triển khai tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

Trong thời gian tới, các sở sẽ tiếp tục hoàn thiện tham mưu cho UBND tỉnh về việc triển khai chính sách này; đồng thời sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thực hiện chính sách trên địa bàn. Ngoài ra, sở cũng sẽ tổng hợp những khó khăn vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh sớm có chỉ đạo để triển khai mang lại hiệu quả cao nhất trên thực tiễn.

Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân tham gia; đồng thời, phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp bảo hiểm để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Cần sớm hoàn thiện các văn bản để triển khai mang lại hiệu quả cao nhất

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Huyền đã thông tin về những điểm mới về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như kết quả bước đầu và một số khó khăn trong việc triển khai chính sách này theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định 03/2021/QĐ-TTg.

Theo đó, Quyết định 13 đã bổ sung thêm các đối tượng bảo hiểm: đối với cây trồng, ngoài lúa đã bổ sung thêm cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; đối với vật nuôi, ngoài trâu, bò đã bổ sung thêm lợn; đối với nuôi trông thủy sản, bên cạnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã bổ sung thêm cá tra.

Cũng so với Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg, các địa phương được hỗ trợ tăng thêm 10 tỉnh mới (từ 19 lên 29), bao gồm: Bắc Giang, Sơn La, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kỳ vọng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp sẽ được triển khai hiệu quả tại Gia Lai
Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm phát biểu tại buổi làm việc.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đã thu được một số kết quả bước đầu sau khi các chính sách, hệ thống văn bản được ban hành. Điều đó có được là nhờ sự vào cuộc tích cực của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương khi đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn chính sách và triển khai trên thực tiễn.

Trong thời gian tới, cơ quan quản lý mong muốn nhận được sự quan tâm vào cuộc của các cấp, chính quyền của tỉnh Gia Lai, cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trên địa bàn. Cùng với đó, vì đây là chính sách mới, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nên trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích chính sách để người nông dân tích cực tham gia.

Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình, trong đó, điểm nhấn là việc chủ động xây dựng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.

Về cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm được xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; lấy nông dân làm trung tâm với các quy định đảm bảo rõ ràng, minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm, điều kiện bảo hiểm; mức phí bảo hiểm không chỉ phù hợp với điều kiện, mức trách nhiệm bảo hiểm mà còn đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của người nông dân và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Hiện nay, cơ quan quản lý cũng đang cùng chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp để cho ra đời các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, theo Quyết định số 13.

Tuy nhiên, hiện việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp chỉ mới đạt được một số kết quả ban đầu, do đây là chính sách mới, khá phức tạp đối với các địa phương, cũng như doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt lại triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp.

Do đó, “trong thời gian tới, cơ quan quản lý mong muốn nhận được sự quan tâm vào cuộc của các cấp, chính quyền của tỉnh Gia Lai, cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trên địa bàn. Cùng với đó, vì đây là chính sách mới, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nên trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích chính sách để người nông dân tích cực tham gia. Kỳ vọng, Kế hoạch triển khai và Quyết định phê duyệt địa bàn được hỗ trợ của tỉnh Gia Lai sẽ sớm được hoàn hiện để triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn” – ông Nguyễn Quang Huyền nhấn mạnh./.

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam