Việt Nam và Kazakhstan thúc đẩy hợp tác tài chính song phương

19:10 | 18/08/2022 Print
(TBTCO) - Chiều18/8/2022, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã tiếp và trao đổi với Chủ tịch Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) của Kazakhstan - ông Kairat Kelimbetov, về việc thiết lập và thúc đẩy quan hệ hợp tác tài chính song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, thị trường vốn và thị trường chứng khoán.

Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng Việt Nam và Kazakhstan có mối quan hệ truyền thống, lâu đời. Kazakhstan có những hỗ trợ rất thiết thực dành cho Việt Nam, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực.

Chia sẻ những nét nổi bật về bức tranh tổng thể kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước đổi mới tích cực về mặt kinh tế. Trong quá trình đó, phát triển thị trường tài chính là một trong những nội dung quan trọng đối với việc mở cửa và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam và Kazakhstan thúc đẩy hợp tác tài chính song phương

Quang cảnh buổi tiếp của Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng với Chủ tịch AIFC - ông Kairat Kelimbetov, chiều ngày 18/8/2022. Ảnh: Đức Minh

Về định hướng của Chính phủ trong xây dựng kinh tế số trong đó có xây dựng chính phủ số, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng dữ liệu của các ngành, đang tiến hành kết nối các dữ liệu với nhau, trong đó có kết nối dữ liệu tài chính với các dữ liệu khác.

Thứ trưởng cho biết, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có lịch sử hình thành và phát triển 22 năm. Quy mô thị trường chứng khoán hiện chiếm khoảng 93 - 94% GDP, hiện có khoảng 40 - 50 công ty có quy mô vốn trên 1 tỷ USD; 3 - 5 công ty có quy mô vốn trên 10 tỷ USD. “Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam mới đang là thị trường "cận biên", chúng tôi đang phấn đấu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên cấp thị trường "mới nổi" trong vòng 1 - 2 năm tới.” - Thứ trưởng Võ Thành Hưng chia sẻ.

Thứ trưởng nhận định, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Kazakhstan. Việt Nam kỳ vọng đến năm 2040 sẽ được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung vào các định hướng phát triển kinh tế trong đó có phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

Thứ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã có cam kết đưa đất nước trung hòa các-bon vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Hiện tại, năng lượng tái tạo của Việt Nam mới chiếm 13 - 15% tổng năng lượng quốc gia. Để đạt mục tiêu trung hòa các-bon như Chính phủ đặt ra là cả thách thức lớn về công nghệ và vốn.

Trong điều kiện kinh tế hội nhập rất sâu, hạ tầng về cảng biển, logictic, sân bay và đường bộ, đường sắt đều còn cần những khoản đầu tư rất lớn. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới cũng là trọng tâm được Chính phủ đặt ra.

“Rõ ràng, nền kinh tế đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Bên cạnh nguồn lực trong nước, chúng tôi cũng kêu gọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Chúng tôi mong muốn thành lập trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ khu vực tại Việt Nam. Trong quá trình xây dựng, chắc chắn Việt Nam sẽ phải tham khảo các kinh nghiệm quốc tế trong đó có Kazakhstan” - Thứ trưởng phát biểu.

Thứ trưởng cho biết, thời gian trước mắt, Việt Nam mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa Việt Nam và Kazakhstan nói riêng, với các nước vùng Trung Á nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghệp, phát triển năng lượng tái tạo và đào tạo nguồn nhân lực.

Chủ tịch AIFC Kairat Kelimbetov cảm ơn sự chia sẻ thông tin của Thứ trưởng về bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam; đồng thời tin tưởng hai bên sẽ có sự hợp tác tích cực trong các lĩnh vực như kinh tế số, năng lượng tái tạo cũng kinh tế xanh.

“Chúng tôi cũng rất quan tâm đến tài chính xanh và cũng cho rằng, mục tiêu của Việt Nam là trung hòa các-bon vào năm 2050 là tham vọng. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn có thể thành hiện thực.” - Chủ tịch AIFC nhấn mạnh.

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam