Bỏ khung giá đất, đưa đất đai về giá trị thực

14:15 | 19/08/2022 Print
(TBTCO) - Để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất, Nghị quyết số 18-NQ/TW (Nghị quyết 18) yêu cầu rà soát chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp.

Đáng chú ý, nghị quyết yêu cầu bỏ khung giá đất, quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang…, đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, xung quanh vấn đề này.

PV: Trung ương vừa ban hành Nghị quyết 18, trong đó có yêu cầu bỏ khung giá đất. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu làm được điều này vừa đưa giá đất về giá trị thực, vừa chống được thất thu thuế, ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

Bỏ khung giá đất, đưa đất đai về giá trị thực
GS. Đặng Hùng Võ

GS. Đặng Hùng Võ: Luật Đất đai 2013 quy định giá đất trong khung phải ngang bằng với giá thị trường, nhưng trên thực tế chỉ bằng khoảng 30% - 70% giá thị trường. Một khi đã có khoảng cách về giá trong bối cảnh cơ chế thị trường thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó lớn nhất là vấn đề trục lợi, tham nhũng đất đai.

Thực tế cho thấy việc giao đất và cho thuê đất hiện nay vẫn lấy giá đất ở trong khung, nhân với hệ số 1,5 – 2%, giá đất giao cho nhà đầu tư vẫn chỉ chiếm 60% giá thị trường. Đây là một trong những kẽ hở dẫn đến thất thoát nguồn thu ngân sách. Không những vậy, các kỳ điều chỉnh khung giá đất còn tạo điều kiện để môi giới, cò đất tung tin thất thiệt, thổi giá, tạo sốt ảo.

Tôi cho rằng, Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra chủ trương bỏ khung giá đất có thể nói là bước đột phá để đưa đất đai về giá trị thực, ngăn ngừa tham nhũng về đất, dẹp nạn đầu cơ, đặc biệt sẽ chống được thất thu thuế.

PV: Chủ trương xây dựng ban hành Luật Thuế tài sản, nhà đất và đánh thuế cao đối với những người có nhiều tài sản là nhà đất, đã được bàn luận sôi nổi trong vài năm gần đây, tuy nhiên vẫn chưa thành. Nghị quyết 18 vừa ban hành một lần nữa đề cập tới câu chuyện thu thuế cao đối với người sử dụng nhiều nhà đất, theo ông đây đã phải là thời điểm thích hợp để ban hành Luật Thuế tài sản?

GS. Đặng Hùng Võ: Muốn thu được thuế cần phải có luật. Hiện nay tình trạng sốt đất do đầu cơ đang diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều người “ôm đất” để chờ tăng giá rồi bán, phân lô, bán nền nở rộ gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Việc người dân đổ xô đi buôn đất, đầu cơ đất dẫn đến giá đất tăng cao một cách vô lý, xuất hiện một bộ phận người giàu lên nhờ đất nhưng phần đông người dân lao động không có nhà để ở.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tôi cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để đề xuất thuế nhà và tài sản. Bởi, thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam hiện quá thấp, chỉ 0,03% trong khi ở các quốc gia khác thông thường mức thuế suất khoảng 1% - 1,5%. Với cách đánh thuế nhà và tài sản như các nước đang làm sẽ giúp ngân sách có được nguồn đóng góp từ mọi người dân.

Tuy nhiên, để đánh trúng, đúng đối tượng, thực hiện đúng chủ trương, tinh thần Nghị quyết 18, cần đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất. Nghĩa là thuế này sẽ không đánh vào người nghèo mà đánh vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất; đặc biệt là những nhà đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng; đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Thực hiện được việc này sẽ góp phần trị hiện tượng sốt đất và giúp giá nhà, đất bình ổn lại.

PV: Có ý kiến cho rằng, ban hành được Luật Thuế tài sản, nhà đất sẽ ngăn ngừa đầu cơ, giá nhà đất sẽ giảm, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, nhóm người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận được nhà ở, ông có quan điểm gì về vấn đề này?

GS. Đặng Hùng Võ: Pháp luật không cấm người dân sử dụng nhiều tài sản là nhà đất, nhưng pháp luật có thể can thiệp bằng cách đánh thuế cao đối với những tài sản mà một người không nên sở hữu quá nhiều. Cách làm này đã được các nước như Mỹ, Nhật Bản hay các nước châu Âu áp dụng từ lâu.

Tôi cho rằng, Nghị quyết 18 có điểm tích cực khi nhấn mạnh thêm việc ban hành Luật Thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế nhưng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là đề cập đến việc đánh thuế cao đối với người có nhiều nhà đất, người đầu cơ không đưa đất vào sử dụng để hoang hóa.

Việc quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều đất đai, hay bỏ hoang đất sẽ là một trong những công cụ điều tiết cho quá trình phát triển và nâng cấp đô thị. Thuế sẽ đóng vai trò ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ bất động sản nhưng để hoang hóa, đầu tư cầm chừng, sử dụng đất không hiệu quả. Khi kiểm soát được đầu cơ, giá nhà đất sẽ giảm, người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận nhà ở.

PV: Vậy theo ông, đánh thuế tài sản là nhà đất nên thực hiện như thế nào cho công bằng, hợp lý, tránh được tình trạng Nhà nước thất thu thuế, người dân thiệt thòi?

GS. Đặng Hùng Võ: Việc xây dựng Luật Thuế tài sản, nhà đất không phải trong ngày một ngày hai là có thể thực hiện được. Trong mênh mông các vấn đề về đất đai cần được sửa đổi, thì điều trước mắt là phải tập trung nghiên cứu hình thành nên chủ trương, quy định về thời gian áp dụng và lộ trình này cần gắn với quá trình xây dựng hệ thống hành chính số. Xây dựng hệ thống quản lý số mới để thu đúng, thu đủ và cần có lộ trình cụ thể.

Do lịch sử để lại, hiện nay có người sở hữu rất nhiều đất đai và có người lại quá ít, vì vậy cần quy định về hạn mức sở hữu, nếu quá hạn mức thì phải đóng thuế và tương ứng với mức nào. Tuy vậy cũng có một vấn đề là áp dụng hạn mức này hợp lý đối với người đầu tư, đầu cơ nhưng với người sở hữu từ rất lâu rồi thì chưa phù hợp vì họ không có thu nhập.

Do đó, để thực hiện được chủ trương này cần hoàn thiện hơn về quy định pháp luật, cụ thể cần trả lời cho câu hỏi là làm sao để phân biệt giữa người sở hữu nhiều bất động sản để sử dụng vào mục đích chính đáng và người sở hữu bất bất động sản để đầu cơ. Bởi vì không thể đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản vì nhu cầu sử dụng chính đáng của họ. Tiếp đó là phải xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai đầy đủ thống nhất để có thông tin về từng người đang sở hữu những bất động sản nào.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Tuấn (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam