Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ 176.000 tỷ đồng vốn trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

19:42 | 29/08/2022 Print
(TBTCO) - Chiều 29/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức phiên họp bất thường tháng 8/2022 để xem xét hai nội dung về danh mục các dự án đầu tư thuộc Nghị quyết số 43 của Quốc hội và đề xuất “điều hòa” vốn đầu tư công trung hạn 5 năm; về khoản vốn còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa phân bổ hết.
Đại biểu kỳ vọng tháo gỡ những "điểm nghẽn" để thúc đẩy phục hồi kinh tế Rốt ráo triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Điều chỉnh nhiều dự án trong danh mục thuộc chương trình phục hồi

Theo tờ trình của Chính phủ, do các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải được rà soát để bảo đảm tuân thủ các quy định về nguyên tắc, đối tượng, mục tiêu, cam kết cùng khả năng cân đối vốn của các địa phương, thực hiện các thủ tục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư công, nên đến nay sau hơn 7 tháng kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ mới tổng hợp được danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư để trình UBTVQH.

Bộ trưởng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên họp

Để bảo đảm thống nhất về quản lý đầu tư công và sớm phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án để kịp triển khai, thực hiện, Chính phủ trình UBTVQH: phân bổ 176.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình; cho phép điều chỉnh 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành giao thông; cho ý kiến về 94 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 147.138 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình để Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn.

Đối với 169 dự án với số vốn dự kiến là 27.930 tỷ đồng chưa đủ thủ tục đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ sẽ báo cáo UBTVQH cho ý kiến sau khi các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, làm cơ sở Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ vốn.

Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) đánh giá đến nay, sau 8 tháng, Chính phủ mới trình UBTVQH danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, mặc dù vậy, danh mục này cũng chưa hoàn thiện, vẫn còn một phần tiếp tục chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư, như vậy là chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình. Đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân chậm, trách nhiệm của các cơ quan khi trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết 43; đồng thời nêu rõ các giải pháp để bảo đảm việc thực hiện được mục tiêu Chương trình và hoàn thành việc giải ngân trong năm 2022, 2023.

Có ý kiến đề nghị cần xem xét báo cáo Quốc hội điều chỉnh lại quy mô, phạm vi để đảm bảo tính phù hợp, hợp lý của việc tiếp tục thực hiện Chương trình trong thời điểm hiện nay - khi bối cảnh, kinh tế, xã hội và tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid -19 đã thay đổi nhiều so với thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết 43.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp chiều 29/8

Không dùng vốn y tế, an sinh xã hội cho các dự án cao tốc

Theo báo cáo của Chính phủ, so với danh mục dự án Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại báo cáo thì có nhiều thay đổi như: thay đổi toàn bộ danh mục và mức vốn dự kiến cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế; gộp 64 dự án thành 14 dự án của lĩnh vực phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước; điều chỉnh tên của 75 nhiệm vụ, dự án; điều chỉnh mức vốn ngân sách trung ương dự kiến bố trí của 15 dự án; điều chỉnh tổng mức đầu tư của 54 dự án; bổ sung thêm 4 dự án; thay thế 4 dự án trong tổng số vốn đã dự kiến cho địa phương; không tiếp tục đề xuất bố trí vốn từ Chương trình cho 8 dự án.

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh so với danh mục dự kiến Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường để bảo đảm tính chính xác là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nhiều nội dung, danh mục nêu trên cho thấy, công tác chuẩn bị Tờ trình để Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết chưa đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng và còn mang tính ước lệ. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ nguyên nhân thay đổi, tính hợp lý và sự phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, cơ cấu vốn theo quy định tại Nghị quyết 43; không nhất thiết phải phân bổ toàn bộ số vốn tối đa khi công tác chuẩn bị dự án chưa đảm bảo điều kiện hoặc không thực sự cần thiết.

Đối với số vốn dự kiến không sử dụng hết 932 tỷ đồng (của lĩnh vực y tế 802 tỷ đồng và an sinh xã hội, lao động việc làm 130 tỷ đồng), Chính phủ đề xuất UBTVQH cho phép phân bổ cho 3 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, đa số ý kiến cho rằng, việc điều chuyển này là vượt cơ cấu vốn, không phù hợp theo quy định của Nghị quyết 43, đề nghị không điều chỉnh sang lĩnh vực khác mà tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực xã hội chưa được bố trí vốn, hoặc bố trí vốn chưa đầy đủ để triển khai thực hiện.

Đối với 3 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, Chính phủ cần rà soát, đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, có thể bố trí từ nguồn chưa phân bổ 11.437 tỷ đồng thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng để bảo đảm tuân thủ quy định mức tối đa 113.550 tỷ đồng Quốc hội đã quyết nghị.

Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí trình UBTVQH cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn đối với 94 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 147.138 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ rà soát, cập nhật các trường hợp đến nay đã hoàn thiện thủ tục đầu tư để phân bổ ngay trong đợt này.

Đối với 169 dự án với số vốn dự kiến là 27.930 tỷ đồng chưa đủ thủ tục đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định: Chính phủ tiếp tục rà soát, theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết 43. Sau khi các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, Chính phủ báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất

Về hỗ trợ doanh nghiệp, UBTCNS cơ bản nhất trí phân bổ 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất (2%) và 300 tỷ đồng cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo khả năng giải ngân và có giải pháp cụ thể để triển khai nguồn vốn này trong năm 2022, 2023. Thực tế, tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% đến nay rất chậm (mới giải ngân được khoảng 1,02 tỷ đồng), nhóm đối tượng được hỗ trợ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. UBTCNS đề nghị Chính phủ có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân, giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam