Tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm thực phẩm "bẩn" dịp Tết Trung thu

08:23 | 06/09/2022 Print
(TBTCO) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng vẫn có cảnh báo bánh trung thu "bẩn", nhập lậu, trôi nổi, không rõ xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm.

Ngày 5/9, Cục An toàn thực phẩm có công văn về tiếp tục tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022 gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm đề nghị tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm thực phẩm "bẩn" dịp Tết Trung thu. Ảnh: TL.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, trước đó ngày 9/8/2022, Cục An toàn thực phẩm (Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về An toàn thực phẩm) đã có công văn về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022.

Tuy nhiên đến nay, theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng vẫn có cảnh báo bánh Trung thu "bẩn", nhập lậu, trôi nổi, không rõ xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai một số biện pháp đã nêu tại công văn số 1886/ATTP-NĐTT như: phối hợp với sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn...

Các đơn vị kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

Theo đó, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất; quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng, các đơn vị hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định./.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam