Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận về 6 dự án luật

09:33 | 07/09/2022 Print
(TBTCO) - Sáng 7/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 đã chính thức khai mạc. Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/9/2022, theo hình thức họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chào mừng đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các vị đại biểu Quốc hội và các vị khách quý đã đến dự phiên khai mạc hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thường kỳ thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. UBTVQH đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của UBTVQH từ ngày 15 - 18/8/2022. UBTVQH quyết định tổ chức hội nghị này để các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đăng ký tham gia hội nghị, cho ý kiến vào từng dự án luật và dự thảo nghị quyết. Qua đó góp phần vào việc xem xét thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành, đồng thuận cao, đảm bảo chất lượng tốt nhất, đồng thời có thể rút ngắn được thời gian của kỳ họp.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ hai của nhiệm kỳ Khóa XV sẽ tập trung thảo luận về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua gồm: Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án khó, phức tạp, nội dung sửa đổi nhiều, nhưng dự kiến được xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phù hợp với các hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận, thể hiện rõ quan điểm về một số vấn đề: Một là, quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng. Hai là, phương thức cấp phép; cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, làm rõ vì sao từ khi luật có hiệu lực đã gần 12 năm vẫn không thực hiện được việc đấu giá, thi tuyển để cấp phép. Ba là, quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế. Nội dung này đang còn khác nhau về quan điểm, cần được làm rõ nội hàm của chính sách này là gì và đánh giá tác động liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng băng tần, kể cả về khía cạnh công nghệ kỹ thuật để đảm bảo tính khả thi…

Đối với Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết, đến nay, còn một số vấn đề đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm gồm: Một là, điều chỉnh việc thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Hai là, việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Ba là, cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở - đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định luật này có thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được dân chủ cơ sở hay không.

Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận về 6 dự án luật
Toàn cảnh hội nghị

Về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án luật có tác động rất lớn đến ngành Y tế và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, những vấn đề được Chủ tịch Quốc hội nêu để các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận gồm: về phạm vi điều chỉnh; bố cục của dự thảo luật; thẩm quyền và điều kiện cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, như chứng chỉ đào tạo, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam…; hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến, kết nối các tuyến khám, chữa bệnh; việc phân cấp đối với cơ sở y tế tư nhân; cơ chế tài chính, giá dịch vụ; xã hội hóa, tự chủ trong khám, chữa bệnh;quy định chuyên môn kỹ thuật; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; y học gia đình;...

Sau phát biểu khai mạc hội nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã tập trung cho ý kiến về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự án luật này liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động thanh tra trong nhiều ngành, lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào các nội dung sau: hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; giải pháp đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra; việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại tổng cục, cục thuộc bộ và tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước; tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra tại một số sở và thẩm quyền thành lập thanh tra sở của UBND cấp tỉnh; quy trình thanh tra, cơ chế phối hợp, xử lý để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, kiểm toán…

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam