Thị trường chứng khoán: Khả năng xuất hiện một đợt giảm mạnh và kéo dài là không cao

16:55 | 08/09/2022 Print
(TBTCO) - Thị trường chứng khoán đang chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, với vùng giá hiện tại, khả năng thị trường có thể có một đợt giảm mạnh và kéo dài là không cao, bởi nền tảng vĩ mô và vi mô cơ bản trong nước vẫn đang hỗ trợ tích cực.
Thị trường chứng khoán trong nước giảm mạnh do tác động từ thị trường quốc tế
Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo ổn định thị trường chứng khoán
Chứng khoán hôm nay (7/9): Thị trường giảm sâu vì đâu?

Đây là nhận định về xu hướng của thị trường chứng khoán trong nước của ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

Thị trường chứng khoán: Khả năng xuất hiện một đợt giảm mạnh và kéo dài là không cao
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).

PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán trong nước đã giảm khá bất ngờ trong phiên 7/9 và kéo dài sang phiên 8/9. Ông có thể cho biết nguyên nhân về diễn biến này?

Ông Trần Đức Anh: Diễn biến điều chỉnh sâu của thị trường chứng khoán trong nước phiên ngày 7/9 có thể nói là tổng hợp của nhiều yếu tố.

Thị trường sẽ cần 1 nhịp nghỉ để giảm tải áp lực chốt lời, cũng như chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn của thị trường toàn cầu trước kỳ họp tháng 9 của FED trong bối cảnh trong nước hiện vẫn đang là vùng trũng thông tin.

Xét đối với yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chung, trong bối cảnh các thông tin vĩ mô trong nước là tương đối trầm lắng, thì diễn biến lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ sau bài phát biểu của ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Hội nghị Jackson Hole đã gia tăng áp lực chốt lời trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau giai đoạn hồi phục tương đối tốt.

Xét đối với yếu tố tác động đến các ngành chủ chốt, room tín dụng ngân hàng được cấp, theo các nguồn tin chưa chính thức, là thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường, khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh. Đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, thanh khoản không tăng như kỳ vọng sau khi áp dụng chu kỳ thanh toán mới cũng tác động tới tâm lý nhà đầu tư.

Ngoài ra, một số nhóm ngành phụ thuộc diễn biến giá cả hàng hoá nguyên vật liệu như phân bón, dầu khí cũng chịu áp lực từ diễn biến điều chỉnh của giá hàng hoá vài phiên gần đây. Còn đối với nhóm ngành bất động sản, câu chuyện về thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là yếu tố rủi ro tiềm ẩn.

Sang phiên giao dịch ngày 8/9, tâm lý có phần trấn tĩnh lại, VN-Index có lúc giữ được giá xanh, nhưng thị trường đóng cửa phiên này vẫn giảm hơn 8,57 điểm vì sức cầu cần thêm thời gian.

PV: Theo ông, việc thị trường chứng khoán trong nước giảm là do tác động tâm lý mang tính ngắn hạn hay có thể lo ngại về một đợt giảm sâu? Vì sao?

Ông Trần Đức Anh: Diễn biến điều chỉnh của thị trường đến từ nhiều nguyên nhân như tôi phân tích ở trên và không thuần tuý là các yếu tố tâm lý ngắn hạn. Kết hợp với việc thị trường đã trải qua 1 nhịp hồi phục tương đối dài từ đầu tháng 7, tôi cho rằng thị trường sẽ cần 1 nhịp nghỉ để giảm tải áp lực chốt lời, cũng như chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn của thị trường toàn cầu trước kỳ họp tháng 9 của FED trong bối cảnh trong nước hiện vẫn đang là vùng trũng thông tin.

Một nhịp giảm mạnh từ vùng giá hiện tại không được đánh giá cao khi mà nền tảng vĩ mô và vi mô cơ bản trong nước vẫn đang có ảnh hưởng tích cực lên thị trường chứng khoán trong nước.

Thị trường chứng khoán: Khả năng xuất hiện một đợt giảm mạnh và kéo dài là không cao
Thị trường chứng khoán cần một nhịp nghỉ để giảm áp lực chốt lời. Ảnh: Minh họa

PV: Đâu là các yếu tố có thể tạo lực đỡ hay kỳ vọng để thị trường chứng khoán có thể sớm ổn định và hồi phục trở lại?

Ông Trần Đức Anh: Nền tảng vĩ mô trong nước vẫn là lực đỡ lớn nhất kỳ vọng, giúp thị trường hồi phục trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang được dự báo tăng trưởng GDP cao trong năm nay, ở mức quanh 7,5%, nhờ các hoạt động kinh tế khôi phục sau Covid-19, trong khi rủi ro về lạm phát cũng đã hạ nhiệt khi giá xăng dầu, lương thực thực phẩm, hàng hóa sắt thép… cũng đã cho dấu hiệu hạ nhiệt. Những yếu tố này tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó phản ánh lên mặt bằng giá cổ phiếu.

Dù vậy, rủi ro vĩ mô về tỷ giá cũng là yếu tố cần lưu ý và quan sát kỹ lưỡng khi mà đồng USD có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây trước các tín hiệu về việc tăng lãi suất mạnh tay của FED.

PV: Trong bối cảnh này, ông có khuyến nghị gì cho nhà đầu tư để tránh các động thái thái quá?

Với kỳ vọng yếu tố vĩ mô thuận lợi giúp duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhóm doanh nghiệp niêm yết trong quý III và quý IV ở mức quanh 20%, vùng giá 1.400 điểm của VN-Index là hoàn toàn khả thi.

Ông Trần Đức Anh: Trong bối cảnh các yếu tố tạo kỳ vọng ngắn hạn của thị trường chứng khoán có sự thay đổi nhanh, cùng với đó là diễn biến liên tục đảo chiều của các nhóm ngành, tôi cho rằng các hoạt động “trading” tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư.

Thay vào đó, nhà đầu tư có thể hướng đến nhóm cổ phiếu tăng trưởng bền vững, đầu ngành, ít chịu biến động mạnh bởi các yếu tố ngắn hạn để nắm giữ cho mục tiêu trung, dài hạn.

PV: Dưới góc nhìn dài hơn về thị trường cuối năm, ông có dự báo gì về diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước khi mà yếu tố kinh tế vĩ mô, cũng như kết quả kinh doanh đang ủng hộ?

Ông Trần Đức Anh: Có quá nhiều yếu tố ngoại biên có thể ảnh hưởng đến xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm như: Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, rủi ro suy thoái tại Mỹ và EU, chính sách Zero Covid và thị trường bất động sản của Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine, giá dầu, lạm phát toàn cầu…

Tuy nhiên, nếu chỉ thuần túy nhìn vào các yếu tố cơ bản, nền tảng trong nước, tôi duy trì đánh giá triển vọng tích cực của thị trường từ nay đến cuối năm. Với kỳ vọng yếu tố vĩ mô thuận lợi giúp duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhóm doanh nghiệp niêm yết trong quý III và quý IV ở mức quanh 20%, vùng giá 1.400 điểm của VN-Index là hoàn toàn khả thi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam