Chương trình mỗi xã một sản phẩm nâng cao thu nhập cho người dân

15:58 | 09/09/2022 Print
(TBTCO) - Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nâng cao thu nhập cho người dân, tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đã phân bổ 30.000 tỷ đồng ngân sách cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 "Lấy nông thôn mới nuôi nông thôn mới"
Chương trình OCOP nâng cao thu nhập cho người dân
Chương trình OCOP nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Khánh Linh

Ngày 9/9, Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP ) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.

Sau hơn 4 năm triển khai, theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Đến ngày 31/8/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1,0% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao. Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã (HTX), 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Ngô Trường Sơn, chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Cụ thể, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Chương trình đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Đặc biệt, thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch...

Chương trình OCOP nâng cao thu nhập cho người dân
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NNK

Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu

Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg và Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt chương trình OCOP và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Hiện, Bộ NN&PTNT đang dự thảo kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai hai chương trình.

Theo Quyết định số 919/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Trần Nhật Lam cũng cho biết, bên cạnh những giải pháp về tuyên truyền, truyền thông, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện, chương trình sẽ tập trung tổ chức triển khai theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng tổ chức sản xuất, quản trị, đổi mới, sáng tạo, quản lý chất lượng sản phẩm, marketing và phát triển thị trường; đẩy mạnh hoạt động giới thiệu và xúc tiến thương mại.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, kết quả thực hiện chương trình OCOP thời gian qua là đáng khích lệ, nhưng chưa có gì bảo đảm thành công lâu dài trong một thế giới cạnh tranh. Vì vậy, các chủ thể cần chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy chất lượng nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Tích hợp đa dạng sản phẩm để chia sẻ lợi ích, từ đó tạo dựng được một cộng đồng đoàn kết trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông đặc sản.

“Tôi đề nghị sắp tới, khi đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP, các địa phương cần chú trọng nhiều hơn đến yếu tố cộng đồng, bởi mục tiêu cốt lõi của Chương trình OCOP là tạo việc làm cho nhiều hơn người lao động, có tính bao trùm và gắn kết cộng đồng cao hơn…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, sản phẩm OCOP muốn có giá trị cao cần phải tinh xảo, đặc biệt là tạo được cảm xúc cho người tiêu dùng. Chỉ khi sản phẩm tạo ra được sự khác biệt thì mới có thể mang lại giá trị vượt trội, giúp cải thiện đời sống cho người dân…

100% điểm du lịch nông thôn sẽ được giới thiệu, quảng bá

Về chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đề ra là đến năm 2025, phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch, 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam