Ngành Hải quan: Chủ động hợp tác đẩy lùi vấn nạn rửa tiền, tài trợ khủng bố

10:18 | 10/09/2022 Print
(TBTCO) - Trong những năm qua, rửa tiền, tài trợ khủng bố đã và đang trở thành một vấn nạn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung xây dựng cơ chế phòng chống có hiệu quả thông qua việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, thể chế, củng cố cơ chế hợp tác trong và ngoài nước. Với vai trò chủ đạo, ngành Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là Ngân hàng Nhà nước để đẩy lùi vấn nạn này.

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhấn mạnh tại Lễ ký kết Quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) được tổ chức chiều 9/9, tại Hà Nội.

Thủ đoạn rửa tiền, tài trợ khủng bố ngày càng tinh vi, phức tạp

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong những năm qua, rửa tiền, tài trợ khủng bố đã và đang trở thành một vấn nạn đối với nhiều quốc gia trên thế giới và là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phương thức, thủ đoạn rửa tiền, tài trợ khủng bố ngày càng tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngày 05/8/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 941/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu là xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung xây dựng cơ chế phòng chống có hiệu quả thông qua việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, thể chế, củng cố cơ chế hợp tác trong và ngoài nước. Trong đó, tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng.

“Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã luôn quan tâm, coi trọng công tác phối kết hợp giữa hai ngành. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, việc tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin là một trong những yêu cầu cấp bách được đặt ra” - lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Du - quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, cho biết việc hợp tác trao đổi cung cấp thông tin giữa các đơn vị trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và phòng, chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền mặt, kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng qua biên giới có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao của cả hai cơ quan.

Ngành Hải quan: Chủ động hợp tác đẩy lùi vấn nạn rửa tiền, tài trợ khủng bố
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Ngân hàng Nhà nước ký kết quy chế. Ảnh: T.U

Còn theo ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền cho biết, thông tin trao đổi đã được hai bên sử dụng có hiệu quả, cũng là một trong những yếu tố góp phần hỗ trợ công tác phân tích, xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ, công tác phòng, chống rửa tiền của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan; đặc biệt đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, buôn bán hàng cấm.

“Những thông tin do phía Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cung cấp, cơ quan hải quan đã sử dụng để điều tra, xác minh, đấu tranh, triệt phá thành công nhiều chuyên án, kế hoạch và khởi tố vụ án hình sự theo thẩm quyền như các vụ án đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép phế liệu; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và gần đây nhất là liên quan đến trường hợp nhập khẩu vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh…; hoặc chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan điều tra có thẩm quyền làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Hải quan sẽ triệt để ứng dụng công nghệ thông tin

Tại sự kiện, lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin giữa hai đơn vị vẫn còn một số hạn chế như chưa có đầu mối thống nhất tiếp nhận, điều phối trao đổi, cung cấp thông tin của mỗi đơn vị, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp, còn hạn chế…Vì vậy, việc ký kết quy chế phối hợp sẽ giúp cho việc trao đổi thông tin được diễn ra nhanh chóng, kịp thời, thông tin được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đúng thẩm quyền.

Ngành Hải quan: Chủ động hợp tác đẩy lùi vấn nạn rửa tiền, tài trợ khủng bố
Phương thức, thủ đoạn rửa tiền, tài trợ khủng bố ngày càng tinh vi, phức tạp. Ảnh: TL

Bàn về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, đề nghị các đơn vị đầu mối của hai bên khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo trong việc quán triệt, triển khai quy chế phối hợp.

Ông Nguyễn Hùng Anh – Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, chia sẻ thời gian qua, cục đã tích cực phối họp, nỗ lực khắc phục khó khăn và thống nhất cao trong việc xây dựng dự thảo văn bản. Để quy chế phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Hùng Anh đề xuất triển khai ngay việc phổ biến nội dung quy chế cho toàn bộ các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan cũng như Ngân hàng Nhà nước.

“Lực lượng hải quan sẽ quán triệt, triển khai quy chế phối hợp; thực hiện nghiêm túc việc trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, sử dụng thông tin được cung cấp và ngược lại” - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu nhấn mạnh.

Đặc biệt, Cục Điều tra chống buôn lậu sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, bảo đảm an toàn, bảo mật theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đơn vị sẽ chủ động phối hợp kịp thời trao đổi và đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp theo quy định” - ông Nguyễn Hùng Anh nhấn mạnh.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, sau khi quy chế phối hợp được ký kết và có hiệu lực, Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ chỉ đạo sát sao đơn vị đầu mối là Cục Phòng chống rửa tiền trong việc trao đổi thông tin kịp thời, đầy đủ với Cục Điều tra chống buôn lậu nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng, Tài chính nói chung, cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Cục Điều tra chống buôn lậu nói riêng trong công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền mặt, kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng qua biên giới.

Được biết, năm 2012, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ký kết, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin, bao gồm cả phối hợp, trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị như: Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam