Tăng cơ hội thu thuế với các dịch vụ xuyên biên giới

06:15 | 12/09/2022 Print
(TBTCO) - Việc thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia, nhất là trong hoạt động kinh tế kỹ thuật số, luôn là nhiệm vụ gian nan. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực tư vấn thuế, ông Phan Vũ Hoàng - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế Công ty Deloitte Việt Nam đã chia sẻ về những ảnh hưởng, cơ hội và thách thức trong việc tận dụng các cơ hội mới để thu được thuế tối ưu với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới trong tương lai.

PV: Gần đây, giới kinh doanh đang đặt mối quan tâm nhiều về Giải pháp Trụ cột trong việc chia sẻ quyền đánh thuế của các nước với các công ty đa quốc gia, nhất là với các hoạt động kinh tế kỹ thuật số, vậy giải pháp này là gì thưa ông?

Tăng cơ hội thu thuế với các dịch vụ xuyên biên giới
Ông Phan Vũ Hoàng

Ông Phan Vũ Hoàng: Tuyên bố về Giải pháp Hai trụ cột (gọi tắt là Giải pháp Trụ cột, hoặc BEPS 2.0) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), gồm Trụ cột 1 và Trụ cột 2, là tuyên bố nhằm giải quyết những vấn đề thuế phát sinh trong thời đại của nền kinh tế kỹ thuật số. Tuyên bố này cũng khẳng định thỏa thuận khung mà 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Diễn đàn toàn cầu BEPS (Inclusive Framework - IF) đã thống nhất.

Là một chủ đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, Trụ cột 1 được đánh giá sẽ tạo nên những tác động lớn đến công tác quản lý thuế trong những năm tới.

PV: Ông giải thích Trụ cột 1 là gì và vì sao nó lại tác động đến công tác quản lý thuế?

Ông Phan Vũ Hoàng: Trước khi nền kinh tế kỹ thuật số hình thành và phát triển, quyền đánh thuế của một quốc gia thường chỉ được thiết lập với thu nhập của một công ty có sự hiện diện vật lý và trực tiếp tại quốc gia đó. Hiện nay, nhiều công ty lớn trên thế giới trong hoạt động kinh tế kỹ thuật số vẫn có được nguồn thu khổng lồ từ các người tiêu dùng ở một quốc gia khác dù không cần hiện diện vật lý trực tiếp tại một quốc gia đó.

Thực tiễn này khiến các quốc gia cần tìm ra một cơ chế đánh thuế thu nhập phù hợp. Dưới góc độ quan sát của các quốc gia này, nguồn lợi nhuận khổng lồ này được công ty có trụ sở ở nước khác chuyển về những quốc gia/vùng lãnh thổ khác. Điều này dẫn đến thực tiễn là có những công ty với doanh thu khổng lồ nhưng tổng chi phí thuế lại vô cùng nhỏ, gây ra tình trạng mất cân bằng, thiếu công bằng và thất thu thuế đối với một số quốc gia.

Tăng cơ hội thu thuế với các dịch vụ xuyên biên giới
Cơ quan quản lý thuế cần nắm bắt cơ hội khi thương mại điện tử xuyên biên giới tăng mạnh.

Trong đó, Trụ cột 1 đưa ra các nguyên tắc phân bổ quyền đánh thuế, cho phép một quốc gia đánh thuế một phần lợi nhuận của doanh nghiệp đa quốc gia có hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng ở quốc gia đó qua các nền tảng kỹ thuật số.

Đặc biệt, quyền đánh thuế này không yêu cầu sự hiện diện trực tiếp của doanh nghiệp tại quốc gia đó hay không. Theo tính toán sơ bộ của OECD, Trụ cột 1 có thể giúp phân bổ lại số lợi nhuận chịu thuế vào khoảng 125 tỷ USD mỗi năm giữa các quốc gia. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu (dự kiến khoảng 5 – 7 năm), phạm vi tác động của Trụ cột 1 sẽ chủ yếu lên khoảng 100 doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới có doanh thu từ 20 tỷ EUR trở lên và tỷ suất lợi nhuận trên 10%.

Hướng đến các phương án công bằng và hiệu quả trong thu thuế giữa các quốc gia

Theo ông Phan Vũ Hoàng, trong bối cảnh nhiều quốc gia (khoảng 40 quốc gia) có động thái đơn phương áp đặt các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) (Digital Services Tax), Trụ cột 1 đặt ra yêu cầu xóa bỏ các loại DST đơn phương, qua đó giải quyết tình trạng hỗn loạn, góp phần giúp việc thu thuế đối với kinh doanh kỹ thuật số trở nên lành mạnh hơn và nhất quán giữa các quốc gia, đảm bảo sự phát triển tự do của nền kinh tế toàn cầu.

Vì vậy, các quốc gia tham gia phê chuẩn Trụ cột 1 có khả năng sẽ phải tính toán chỉnh sửa lại nội luật để đảm bảo vừa không đánh thuế trùng, không bị chồng chéo trong quy định, vừa đảm bảo công bằng và hiệu quả nhất trong công tác thu thuế.

PV: Với những tính chất như trên, giải pháp hai trụ cột và đặc biệt là tính chất của Trụ cột 1 như ông vừa trao đổi, Việt Nam sẽ có cơ hội như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Vũ Hoàng: Việc tham gia Công ước về Trụ cột 1 sẽ giúp Việt Nam mở rộng quyền đánh thuế với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số.

Tại Việt Nam, nền kinh tế kỹ thuật số được dự báo sẽ chạm mốc tăng trưởng kép 29% từ nay đến 2025 và đạt quy mô 57 tỷ USD năm 2025, hứa hẹn doanh thu của các công ty đa quốc gia trên nền tảng số tại Việt Nam sẽ còn tăng trưởng đáng kể. Việc đảm bảo quyền đánh thuế theo Trụ cột 1 sẽ giúp Việt Nam tăng cường nguồn thu từ những hoạt động này. Tuy nhiên, chính OECD cũng chưa có những ước tính cụ thể về con số thuế chính xác có thể tăng thêm là bao nhiêu.

Việc tham gia ký và phê chuẩn Công ước về Trụ cột 1 chắc chắn sẽ mang lại những tác động rõ nét trong việc hoàn thiện cơ chế và bảo đảm chủ quyền thuế của Việt Nam cũng như tham gia vào tiếng nói chung với hầu hết các quốc gia trên thế giới trong việc thu thuế trong thời đại của nền kinh tế kỹ thuật số.

Tuy nhiên, song hành với đó là những thách thức không nhỏ dành cho cơ quan thuế, đòi hỏi rà soát và đánh giá tác động cũng như khả năng thực hiện Trụ cột 1 một cách chi tiết. Trong bối cảnh hiệu lực của Trụ cột 1 được kéo dài thêm một năm (dự kiến đến năm 2024), Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế thu thuế, đồng thời theo dõi sát sao, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia khác để sẵn sàng ứng phó với những biến động trong giai đoạn có thể có nhiều biến đổi này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chí Tín (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam