Người dân Mỹ vẫn e ngại tính rủi ro của thị trường chứng khoán

17:02 | 23/04/2014 Print
Đã 5 năm trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, người dân Mỹ vẫn còn rất cảnh giác đối với thị trường chứng khoán, theo một khảo sát gần đây của trang web chuyên về phân tích tài chính Bankrate.com.

Người Mỹ vẫn chưa tin vào thị trường chứng khoán

Đa số người dân Mỹ vẫn chưa tin tưởng vào thị trường chứng khoán. -Ảnh Reuters

Cuộc khảo sát tiến hành với hơn 1.000 hộ gia đình ở Mỹ cho thấy, 73% không có xu hướng sẽ đầu tư vào chứng khoán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp các nhà đầu tư cá nhân thể hiện một cái nhìn tiêu cực về thị trường chứng khoán.

Niềm tin của người dân Mỹ vào chứng khoán vẫn chưa phục hồi mặc dù thị trường này đã trên đà tăng trong hơn 5 năm trở lại đây. Sau khi chạm đáy vào năm 2009, chỉ số S&P 500 đã tăng gấp hơn 2 lần.

Thông thường, các nhà đầu tư cá nhân thường mua vào cổ phiếu khi giá lên cao và bán khi thị trường đi xuống, nên hay bị thua lỗ vì chứng khoán.

Theo Greg McBride, chuyên gia của Bankrate.come, chính vì lý do đó, nhà đầu tư cá nhân tránh rủi ro này bằng cách sẽ không mua vào chứng khoán nữa.

Khác biệt về sự cảnh giác đối với chứng khoán lần này chính là vì các nhà đầu tư cá nhân đã trải qua 2 cuộc suy thoái trong vòng 1 thập kỷ qua. Lần đầu tiên là bong bóng công nghệ năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính và đại suy thoái toàn cầu năm 2008.

Rất nhiều nhà đầu tư đã thất bại trong cả 2 lần và do đó, họ sẽ tránh xa khỏi chứng khoán, McBride cho biết. Thay vào đó, các nhà đầu tư cá nhân đang tìm đến các kênh đầu tư truyền thống như trái phiếu và tiền mặt – những tài sản mà hầu như không mang lại lợi nhuận trong vài năm trở lại đây.

McBride cũng cho biết rủi ro hàng đầu đối với nhà đầu tư trong dài hạn không phải là sự biến động của thị trường mà chính là lạm phát – yếu tố có thể dần dần xói mòn đi giá trị lợi nhuận của các khoản đầu tư như trái phiếu./.

Mai Linh (Theo CNN Money)

Mai Linh (Theo CNN Money)

© Thời báo Tài chính Việt Nam