Thị trường mua bán sáp nhập tại EU khởi sắc

11:29 | 22/04/2014 Print
Thị trường mua bán, sáp nhập tại châu Âu đang hồi phục sau nhiều năm ảm đạm nhờ tâm lý kinh doanh cải thiện. Tín hiệu này đã khuyến khích các công ty sẵn sàng “rút hầu bao” mà họ đã cất giữ không đầu tư trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính.

Thị trường mua bán, sáp nhập châu Âu đang nóng lên

Ảnh: bwbx.io

Chỉ trong vòng một tháng vừa qua, một loạt các giao dịch mới đã được công bố bao gồm việc công ty Numericable mua lại hãng di động SFR của Vivendi tại Pháp, vụ sáp nhập của hai gã khổng lồ xi măng thế giới là Holcim của Thụy Sỹ và công ty đối thủ Lafarge của Pháp. Cũng không thể không kể đến vụ sáp nhập giữa Sopra và Steria để thiết lập gã khổng lồ dịch vụ công nghệ mới của Pháp.

Các công ty của Anh cũng không nằm ngoài xu thế này, khi đại gia di động Vodafone công bố việc mua lại công ty cáp điện Ono của Tây Ban Nha với số tiền lên tới 7,2 tỷ euro. Công ty tư nhân vốn CVC cũng tham gia kiểm soát cổ phần tại nhà sản xuất dầu oliu Deoleo của Tây Ban Nha.

Tập đoàn tư nhân Triton của Đức chi 730 triệu euro - tương đương 1 tỷ USD, mua lại công ty thiết bị lò hơi và truyền nhiệt của đại gia Alstom của Pháp.

Fabien Lauranceau, chiến lược gia phân tích vốn tại Aurel BGC nhận định: “Các hoạt động sáp nhập đã gia tăng kể từ đầu năm nay trên toàn cầu, ở châu Âu và giờ là ở Pháp”.

Theo số liệu của Bloomberg thu thập, giá trị của các thương vụ trên phạm vi toàn cầu trong ba tháng đầu năm tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 637 tỷ USD, một khởi đầu tốt nhất kể từ năm 2007.

Hai trong số ba ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới là Goldman Sachs và Morgan Stanley tuần này báo cáo kết quả lợi nhuận quý 1 cao hơn mong đợi, nhờ vào sự phục hồi của lợi nhuận trong việc tư vấn cho các hoạt động mua bán, sáp nhập.

Việc gia tăng các thương vụ một phần được thúc đẩy bởi số vốn các công ty tích lũy mà không đầu tư do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008.

Công ty tư vấn Deloitte hồi tháng 1 ước tính rằng 1.000 công ty lớn nhất thế giới đã tích lũy được khoảng 2,8 nghìn tỷ USD tiền mặt trong bảng cân đối của họ, khi chờ đợi cơn bão trên thị trường đi qua.

Một cuộc khảo sát với hơn 1.000 công ty của KPMG cho thấy, gần 2/3 trong số họ mong muốn tiến hành thương vụ trong năm nay chủ yếu do quy mô tích lũy của họ.

29% trong số những người được hỏi tin rằng Tây Âu sẽ có nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập nhất trên thế giới trong năm nay, bằng với số lượng của Trung Quốc.

Giám đốc quản lý của KPMG Phil Isom cho biết, khủng hoảng nợ châu Âu đã tạo ra nhiều cơ hội. Việc tăng định giá trên thị trường chứng khoán cũng khiến cho các công ty ổ định hơn nhảy vào các đối thủ yếu thế.

Isom cho biết, hiện tại niềm tin của các nhà lãnh đạo cho thấy rủi ro kinh tế đã lùi lại phía sau và họ không còn căng thẳng dữ dội như trước. Ngược lại, mức lãi suất thấp kỷ lục cũng củng cố thêm việc sáp nhập của các công ty khi họ chưa chắc chắn về triển vọng của nền kinh tế.

Có thể thấy thị trường khó khăn khi phải cạnh tranh với đối thủ Free là động lực để cả Numericable và SFR sáp nhập. Tương tự như thế, quyết định sáp nhập của Lafarge với Holcim cũng sau rất nhiều lần tái cơ cấu bất thành.

Chiến lược gia Laurenceau lập luận rằng, các công ty đang lựa chọn việc mua bán, sáp nhập thay vì huy động vốn cho thấy sức manh của niềm tin vào thị trường.

Ông cho biết chu kỳ thường là khi thị trường hồi phục sẽ có các vụ niêm yết trên sàn chứng khoán, sau đó là mua bán, sáp nhập và cuối cùng là tiếp quản công ty đối thủ. Hiện đang có một mảnh đất màu mỡ hơn năm ngoái trong lĩnh vực này./.

Vũ Hoa (Theo AFP)

Vũ Hoa (Theo AFP)

© Thời báo Tài chính Việt Nam