Gỡ vướng trong triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

14:20 | 14/09/2022 Print
(TBTCO) - Nhiều địa phương hiện đang gặp khó trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cùng với đó là tình trạng nợ bảo hiểm xã hội… vẫn còn xảy ra phổ biến phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu đề ra của cơ quan bảo hiểm xã hội cho năm 2022 và những năm tới.

Thành lập đoàn công tác gỡ vướng

Theo báo cáo của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, những tháng đầu năm 2022, tình trạng nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn diễn ra. Nguyên nhân ngoài việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì vẫn còn những doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng BHXH… Bên cạnh đó, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN cũng bị ảnh hưởng do việc thay đổi mức chuẩn hộ nghèo từ năm 2022 khiến mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng nên các tỉnh gặp khó trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

Trước tình hình trên, BHXH Việt Nam đã thành lập 4 đoàn công tác tại 8 cụm địa phương (diễn ra từ ngày 13/8 đến ngày 26/8) do tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam làm trưởng các đoàn nhằm đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; công tác khám, chữa bệnh (KCB) BHYT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam tuyên truyền chính sách Bảo hiểm Xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người dân. Ảnh: BHXH QN
Cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam tuyên truyền chính sách Bảo hiểm Xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người dân. Ảnh: BHXH QN

Qua buổi làm việc của các đoàn công tác cho thấy kết quả hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ về BHXH, BHYT, BHTN của các tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành tiếp tục khởi sắc, các chỉ số đều tăng, nhưng số tăng chưa lớn. BHXH các địa phương cơ bản đã tham mưu để UBND tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến các quận, huyện nhưng giao chỉ tiêu đến cấp xã chưa nhiều mới có hơn 10 tỉnh làm được. Trong triển khai tổ chức dịch vụ thu, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc ký kết quy chế nhưng cần khẩn trương kiện toàn, nâng cao chất lượng. Hiện nay, còn khoảng 156 xã chưa có điểm dịch vụ thu; 14.980 nhân viên đại lý thu thuộc hệ thống xã, phường trước đây không tiếp tục hoạt động…

Áp dụng nhiều giải pháp

Trước các khó khăn, vướng mắc của các tỉnh phản ánh với đoàn công tác, lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc trong đoàn công tác đã phân tích, đưa ra các chỉ đạo, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù của từng tỉnh để phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022. Với những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở KCB BHYT ở các địa phương tiếp tục được BHXH Việt Nam tổng hợp, báo cáo và có giải pháp kiến nghị xử lý tới các cấp có thẩm quyền.

Trong những tháng cuối năm 2022, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được lãnh đạo ngành BHXH đề nghị các cơ quan BHXH địa phương cần phân tích, đánh giá nguyên nhân giảm một số chỉ tiêu, từ đó đưa ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp; tăng cường các giải pháp để tiệm cận 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Các cơ quan BHXH địa phương bám sát, theo dõi dữ liệu hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường rà soát, kiểm tra dữ liệu từ cơ quan thuế chuyển sang để phát hiện số người tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia...

Tổng số thu ước gần 270.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính đến hết tháng 8/2022, toàn quốc có trên 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 89,47% so với kế hoạch của ngành, tăng hơn 2,36 triệu người (15,96%) so với cùng kỳ năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 87 triệu người người, tăng hơn 1,7 triệu người (2,03%) so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lũy kế ước hết tháng 8/2022 là gần 270.000 tỷ đồng, tăng 4,04% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với lĩnh vực KCB BHYT, BHXH các cơ quan này cần tiếp tục giám sát, tăng cường quản lý chi phí KCB BHYT đặc biệt đối với các chỉ tiêu quan trọng, kịp thời phát hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT…

Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh cần đẩy mạnh thanh tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; thực hiện linh hoạt các giải pháp để chặn nợ mới phát sinh, thu nợ cũ; phối hợp với cơ quan chức năng ngay từ sớm để ngăn chặn, xử lý khi có dấu hiệu trục lợi, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Từ nay đến cuối năm 2022, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã đề nghị BHXH các tỉnh cần căn cứ tình hình cụ thể của địa bàn để chủ động, sáng tạo xây dựng các kịch bản chi tiết nhằm truyền thông, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT tới cấp huyện, xã. Đặc biệt, cần nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức, thực hiện nhiệm vụ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam với BHXH các tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh… nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022, đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN./.

Quang Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam