KBNN: Số hóa 50% hoạt động kiểm tra vào năm 2025

12:10 | 16/09/2022 Print
(TBTCO) - Trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống KBNN. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra, KBNN đã chia sẻ một số định hướng đổi mới cho công tác thanh tra, kiểm tra đang được KBNN đặt ra.

Theo đó, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành (TTCN) thông qua môi trường số và hệ thống thông tin. Phấn đấu đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% hoạt động kiểm tra của KBNN được thực hiện thông qua môi trường số.

PV: Thưa ông, nhìn vào kết quả trong những năm qua có thể thấy toàn hệ thống KBNN đã rất nỗ lực trong công tác thanh tra, kiểm tra. Ông có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm mà KBNN đã đạt được thời gian qua?

KBNN: Số hóa 50% hoạt động kiểm tra vào năm 2025
Ông Đinh Mạnh Tuấn

Ông Đinh Mạnh Tuấn: Điều đầu tiên chúng tôi quan tâm là xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm cần bám sát định hướng của thanh tra các cấp trên nguyên tắc: Tập trung kiểm tra những hoạt động tiềm ẩn rủi ro cao, đối tượng đưa vào kế hoạch kiểm tra được theo dõi luân phiên thứ tự, đảm bảo không bỏ sót đơn vị.

Trong kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm, cần sắp xếp, bố trí thời gian và con người hợp lý để có thể triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Trong quá trình thanh tra tại đơn vị, thủ trưởng các đơn vị cần quán triệt với trưởng đoàn, cũng như các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra phải thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng nội dung theo kế hoạch được phê duyệt; thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trong điểm, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng thời hạn quy định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được thanh tra, kiểm tra; các sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra phải được xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật.

Kết luận thanh tra, báo cáo kiểm tra ban hành phải chính xác, khách quan, có tình, có lý, các kiến nghị xử lý các sai phạm về kinh tế, hành chính phải có tính khả thi cao sau thanh tra, kiểm tra.

Đặc biệt, hoạt động thanh tra, kiểm tra phải thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị có chuyên môn liên quan, thực hiện nghiêm túc từ khâu xây dựng kế hoạch, đến tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra.

Điều này rất quan trọng, vì thực tế lực lượng công chức thanh tra, kiểm tra KBNN rất mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời nội dung thanh tra, kiểm tra liên quan đến nhiều lĩnh vực, nghiệp vụ khác nhau, nên ngoài lực lượng công chức thanh tra, kiểm tra, cần có thêm những người có chuyên môn sâu, am hiểu về từng lĩnh vực nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Công chức Kho bạc Nhà nước hướng dẫn đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thiện các thủ tục thanh toán vốn. Ảnh: H.T
Công chức Kho bạc Nhà nước hướng dẫn đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thiện các thủ tục thanh toán vốn. Ảnh: H.T

PV: Được biết, tới đây công tác thanh tra, kiểm tra của KBNN sẽ dần được số hóa, mục tiêu là đến năm 2025, tối thiểu 50% hoạt động kiểm tra của KBNN sẽ được thực hiện thông qua môi trường số. Xin ông chia sẻ thêm về các mục tiêu này?

Ông Đinh Mạnh Tuấn: Với mục tiêu kiện toàn hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ, xây dựng hoàn thiện bộ máy và củng cố lực lượng công chức thanh tra KBNN các cấp có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, có khả năng khai thác dữ liệu trên các ứng dụng công nghệ thông tin, KBNN đã đưa ra định hướng công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới.

Theo đó, KBNN sẽ đổi mới công tác kiểm tra, giám sát nội bộ hệ thống KBNN nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra trực tiếp, từng bước chuyển từ phương thức kiểm tra thủ công trực tiếp tại trụ sở KBNN là đối tượng được kiểm tra sang thực hiện kiểm tra, giám sát từ xa theo phương thức điện tử; xây dựng công cụ giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các cấp phục vụ công tác đánh giá, kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN, cùng hướng tới triển khai thực hiện kiểm toán nội bộ KBNN.

Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành (TTCN) thông qua môi trường số và hệ thống thông tin. Phấn đấu đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% hoạt động kiểm tra của KBNN được thực hiện thông qua môi trường số.

Đặc biệt, KBNN tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra không để tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong công tác kiểm soát chi NSNN, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng; duy trì tốt đoàn kết nội bộ, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại từng đơn vị KBNN, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền, tài sản Nhà nước giao KBNN quản lý.

PV: Giải pháp để thực hiện thành công những mục tiêu này được KBNN đặt ra như thế nào, nhất là đối với công tác TTCN khi mà các giao dịch của KBNN đang được thực hiện trên môi trường mạng, thưa ông?

Ông Đinh Mạnh Tuấn: KBNN đã đặt ra kế hoạch đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình kiểm tra, thanh tra phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện đại hóa hoạt động KBNN, đảm bảo cảnh báo sớm các rủi ro và phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm chính sách chế độ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động KBNN; xây dựng tiện ích để khai thác dữ liệu đã được số hóa từ chương trình dịch vụ công trực tuyến của KBNN phục vụ công tác kiểm tra nội bộ. Đặc biệt, KBNN sẽ đẩy mạnh ứng dụng, công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm khai thác triệt để các dữ liệu sẵn có trên môi trường điện tử để từng bước chuyển đổi từ phương thức kiểm tra, giám sát trực tiếp sang phương thức kiểm tra, giám sát trên môi trường điện tử, môi trường số.

Đối với công tác TTCN, KBNN sẽ tập trung thanh tra vào các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ thực hiện kiểm soát chi NSNN qua KBNN; các khoản chi thường xuyên liên quan đến chi lương và có tính chất lương; thanh tra đối với các đơn vị sử dụng NSNN có biểu hiện nghi ngờ lợi dụng, chiếm đoạt tiền NSNN phát hiện qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các đơn vị KBNN. Bên cạnh đó, KBNN sẽ nâng cao chất lượng công tác TTCN, đảm bảo đủ chứng lý của kết luận thanh tra trong việc thực hiện các kiến nghị qua TTCN. Chú trọng công tác khảo sát, nắm tình hình trước khi triển khai TTCN, sự phối hợp giữa thanh tra và các bộ phận nghiệp vụ nhằm phát huy được hiệu quả cao trong hoạt động TTCN.

PV: Chất lượng cán bộ sẽ quyết định chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra. KBNN có định hướng gì cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Đinh Mạnh Tuấn: Năm 2022 và những năm tiếp theo, KBNN xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức chuyên sâu, các lớp đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức thanh tra kiểm tra sẵn sàng làm chủ được các công cụ, phần mềm phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, KBNN sẽ mời những giảng viên, báo cáo viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để đào tạo nâng cao kỹ năng cho công chức thanh tra KBNN; tiếp tục phối hợp với IMF và các đối tác trong việc trao đổi kinh nghiệm và tham vấn triển khai công tác kiểm toán nội bộ trong toàn hệ thống KBNN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hạnh Thảo

© Thời báo Tài chính Việt Nam