Gia Lai: Kỳ vọng tăng thu ngân sách từ các dự án công nghiệp chế biến

09:34 | 17/09/2022 Print
(TBTCO) - Ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh Gia Lai đang nỗ lực kêu gọi đầu tư vào các dự án công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị, giảm áp lực về đầu ra cho các mặt hàng nông sản, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Gia Lai: Kỳ vọng tăng thu ngân sách từ các dự án công nghiệp chế biến
Nhà máy chế biến chanh dây tại khu công nghiệp Trà Đa, Gia Lai. Ảnh: Gia Cư

Xác định rõ tiềm năng

Theo ông Quế, với khoản thu trên 2.100 tỷ đồng từ hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến các dự án điện gió được triển khai được xem là khoản thu đột biến góp phần vào kết quả thu ngân sách của Gia Lai trong năm 2021. Tuy nhiên, năm 2022 này sẽ không còn được tiếp tục duy trì bởi nguồn thu từ năng lượng tái tạo, nhưng với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các dự án công nghiệp chế biến cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững cho địa phương.

Nghị quyết kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai mới đây cũng xác định rõ phải phát huy lợi thế, tiềm năng vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp, tập trung ưu tiên chuyển dịch nguồn thu từ công nghiệp tái tạo sang công nghiệp chế biến chất lượng cao; đồng thời khẳng định, đây sẽ là nguồn thu ổn định, bền vững giúp tăng thu ngân sách địa phương.

Các dự án thu hút đầu tư của năm 2022 của Gia Lai cũng đã được cơ quan chức năng chuẩn bị đầy đủ và hướng dẫn nhà đầu tư nhằm tạo nên một làn sóng mới.

Việc tái cơ cấu ngành, lĩnh vực sẽ theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế và nâng cao độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.

Sở Công thương Gia Lai cho biết, trong 8 tháng năm 2022, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 10.300 tỷ đồng. Nông sản tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh khi chiếm tới hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm đã qua chế biến như: cà phê, cao su, chanh dây, điều… Có thể thấy, ngành công nghiệp chế biến đã góp phần nâng cao giá trị, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Chủ trương kêu gọi nhiều dự án lớn

Theo dự toán được giao, tổng thu ngân sách năm 2022 của tỉnh Gia Lai là 5.827 tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu tăng thu khoảng 10% từ lĩnh vực công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công thương Gia Lai, cho biết để đạt mục tiêu này, đơn vị đang tích cực tham mưu UBND tỉnh quy hoạch mở rộng và bổ sung đầu tư kết cấu hạ tầng của các khu, cụm công nghiệp để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu.

Theo ông Binh, Gia Lai hiện có nguồn nguyên liệu khá dồi dào, phong phú phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến với khoảng 550.000 ha cây trồng các loại, trong đó có khoảng 98.000 ha cà phê, gần 14.000 ha hồ tiêu, hơn 21.000 ha cây ăn quả và nhiều loại nông sản khác như điều, mì, mía…

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2022-2025 (giai đoạn 2). Trong số 35 dự án được phê duyệt có nhiều dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến. Tất cả các dự án này đều ở vị trí đất sạch, do Nhà nước quản lý, có thể khảo sát đầu tư ngay.

Gia Lai: Kỳ vọng tăng thu ngân sách từ các dự án công nghiệp chế biến
Một góc khu trung tâm TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Gia Cư

Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến đến năm 2030.

Chương trình đưa ra danh mục một số dự án trọng điểm mà tỉnh kêu gọi đầu tư từ nay đến năm 2030 gồm: nhà máy thức ăn gia súc tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có công suất 100.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng; nhà máy súc sản tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có công suất 20.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư dự kiến 900 tỷ đồng; nhà máy đường tinh luyện tại thị xã An Khê có công suất 40.000 tấn nguyên liệu/ngày, với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng...

Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân đăc biệt góp phần tăng thu ngân sách mỗi năm thêm hàng nghìn tỷ đồng./.

Gia Lai có diện tích nông nghiệp lớn, không phát triển chiều rộng mà tập trung phát triển theo chiều sâu. Nhưng hiện trên địa bàn tỉnh có một số loại cây trồng kém hiệu quả, đề nghị được chuyển đổi diện tích này sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao. Việc chuyển đổi này là tiền đề để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến.

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam