Còn dư địa tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

18:27 | 18/09/2022 Print
(TBTCO) - Phiên thảo luận toàn thể chiều 18/9 tại Diễn đàn kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, còn dư địa tài khóa thực hiện chính sách hỗ trợ. GS. Andreas Hauskrecht – Đại học Indiana, Hoa Kỳ, khuyến nghị Việt Nam nên sử dụng chính sách tài khóa an toàn.
Đã gia hạn 52 nghìn tỷ đồng tiền thuế theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Ưu tiên cải cách thể chế để phục hồi phát triển kinh tế- xã hội Khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022: Tìm các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nộp tiền vào ngân sách mới giao đất

Nên sử dụng chính sách tài khóa an toàn

Phát biểu trực tuyến tại phiên thảo luận toàn thể, chia sẻ tình hình kinh tế tại Mỹ và đề xuất cho Việt Nam, GS. Andreas Hauskrecht cho biết, một hiện tượng chung được ghi nhận cả ở Mỹ, châu Âu cũng như Việt Nam là nhiều người rời bỏ thị trường lao động trong giai đoạn dịch, đến nay người lao động đang dần trở lại cho thấy diễn biến của thị trường lao động đang dần ổn định. Trong bối cảnh đó tại Mỹ, tốc độ tăng lương cũng ổn định.

Còn dư địa tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế
Theo đại biểu dự diễn đàn, còn dư địa tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

GS. Andreas Hauskrecht thông tin: Nhìn vào chỉ số dự báo thị trường, chỉ số thị trường tương lai cũng như các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 và 2023, khi FED thay đổi chính sách tiền tệ, khả năng cao FED sẽ tạo suy thoái ở Mỹ. Điều này cũng tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá Việt Nam đồng/Đô la Mỹ (VND/USD).

Ông đưa ra dự báo đồng Việt Nam sẽ tăng mạnh so với đồng Euro và các đồng tiền khác, khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu. Ngoài ra, việc thoái đầu tư, thoái vốn ở nhóm trái phiếu mới nổi từ những tháng đầu năm 2022 cũng là vấn đề cần tính đến.

Không nên giảm giá đồng Việt Nam

GS. Andreas Hauskrecht kiến nghị Việt Nam không nên giảm giá đồng Việt Nam, bởi điều này có thể gây bất ổn tài chính.

GS. Andreas Hauskrecht đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong duy trì đà tăng trưởng. Ông cho rằng, Việt Nam đã phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, dự bảo tăng trưởng năm 2022 đạt trên 6%, lạm phát được kiểm soát, nhất là chỉ số lạm phát trọng yếu duy trì ở mức thấp.

Trên cơ sở đánh giá tình hình quốc tế và bối cảnh của Việt Nam, GS. Andreas Hauskrecht kiến nghị Việt Nam không nên giảm giá đồng Việt Nam, bởi điều này có thể gây bất ổn tài chính. GS. Andreas Hauskrecht cũng đề xuất Việt Nam không nên tăng lãi suất hay sử dụng các công cụ tài chính mà nên sử dụng các chính sách tài khóa an toàn.

Gói tài khóa hỗ trợ là rõ nét nhất

Có ý kiến tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Sỹ Cường đánh giá cao gói hỗ trợ tài khóa thời gian qua. Theo ông, các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam vẫn ở dưới mức 4 % trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.

TS. Vũ Sỹ Cường cũng cho rằng, gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo cho năm 2022 sẽ khả quan.

Còn dư địa tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn.

Mới đây, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của ba tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 còn 6,7%, tức giảm 0,5% so với dự báo trước đó.

Tuy nhiên, hiện nay, thực hiện chương trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội vẫn còn hạn chế, như: Ngoài chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt thì các chính sách khác còn khá mờ nhạt như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất hay chương trình mua máy tính cho học sinh. Chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân rất chậm.

TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, Việt Nam được đánh giá có năng lực quản trị nợ ở mức trung bình khá và các chỉ tiêu về an toàn nợ công của Việt Nam được đánh giá khá tốt nên Việt Nam còn dư địa tài khóa cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn 2022-2025.

Đại diện khối doanh nghiệp phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may vừa qua đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

Trong thời gian tới, ông Lê Tiến Trường cho rằng, cần có chính sách ưu tiên, có trọng tâm trọng điểm, nhất là đối với những ngành sử dụng nhiều lao động. Khi nguồn lực hạn chế cần phải có trọng tâm ưu tiên. Doanh nghiệp mong được hỗ trợ khoản vay ngắn hạn mua nguyên liệu bằng ngoại tệ. “Với ngành xuất khẩu đang mang lại thặng dư tương đối lớn, cần được quan tâm xem xét một cách riêng biệt, để đảm bảo duy trì được việc làm cho người lao động và phát triển trong thời gian tới” - ông Lê Tiến Trường nói./.

Doanh nghiệp dệt may tăng trưởng cao nhất 10 năm qua

Đại diện khối doanh nghiệp phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Tiến Trường cho biết, giai đoạn cuối năm 2021 và 8 tháng năm 2022 cho thấy giai đoạn phát triển tốt và tận dụng cơ hội của ngành dệt may, trong đó ảnh hưởng rất quan trọng của các chính sách trong điều tiết vĩ mô. 8 tháng năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 31,2 tỷ đô la, tăng trưởng tới 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam