40 tấn sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

18:30 | 20/09/2022 Print
Ngày 19/9, Việt Nam đã thông quan 40 tấn sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc - Chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp
Sầu riêng phải trải qua nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước. Ảnh: Tư liệu

Lô sầu riêng Việt đầu tiên xuất chính ngạch sang Trung Quốc

Ngày 19/9, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) phối hợp với các cơ quan chức năng chính thức xuất khẩu lô hàng sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, hai container khoảng 40 tấn sầu riêng Việt Nam (trong 100 tấn sầu riêng) lần đầu được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, qua cửa khẩu Hữu Nghị. Xe container này chở sầu riêng từ Đắk Lắk hôm 17/9, tới cửa khẩu Hữu Nghị hôm 19/9.

Chuyến hàng sầu riêng quả tươi xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc được thu hái từ các vườn sầu riêng trong số 21 mã vùng trồng của tỉnh Đắk Lắk vừa được cấp và các doanh nghiệp được cấp mã cơ sở đóng gói thực hiện đóng gói.

Trước đó, lô hàng sầu riêng đã được các cơ quan như Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, đóng tại Lạng Sơn, Cục hải quan Lạng Sơn, kiểm tra kỹ lưỡng.

Theo ông Vũ Ngọc Huy - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Việt Nam), doanh nghiệp này đã ký thành công hợp đồng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng từ nay đến năm 2023.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc xuất khẩu sầu riêng không phải là chuyện đưa đi được một hay hai lô hàng mà là chiến lược dài hơi. Điều này nằm trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp.

Do vậy, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với người trồng, với cơ quan quản lý nhà nước và với các bạn hàng để làm sao tạo dựng, duy trì được một thị trường bền vững. Đối với cơ sở vùng trồng, phải cùng với người trồng đó duy trì được mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói tuân thủ theo đúng điều kiện phía Trung Quốc đã quy định.

Cục Bảo vệ thực vật cũng lưu ý việc có doanh nghiệp còn “cẩu thả, bừa bãi” trong khâu thu hoạch, đóng gói. Phía Cục Bảo vệ thực vật đã thống nhất được với phía Trung Quốc, bất cứ khi nào phát hiện sự gian dối, doanh nghiệp làm ăn bất chính sẽ bị cấm vĩnh viễn việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục có đầy đủ năng lực về hệ thống để xử lý vấn đề này.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thống nhất với phía Việt Nam, trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm thì cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam có quyền dừng ngay việc xuất khẩu của mã số đó, cơ sở đóng gói, cơ sở vùng trồng chứ chưa cần phía Trung Quốc ra văn bản chính thức.

Sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, giá sầu riêng đã tăng gấp rưỡi, từ 50.000 đồng lên khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg. Tham gia đợt xuất khẩu đầu tiên này, cả nước có 8 đơn vị, mỗi đơn vị đăng ký xuất khẩu từ 60 - 100 tấn.

Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc - Chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp
Vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Công Bắc

Các cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc

Trước đó, ngày 17/9, tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên lên đường, chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Các container vận chuyển sầu riêng phải mất 2 ngày đường bộ để có thể đến cửa khẩu Hữu Nghị. Nếu như trước đây sầu riêng phải đi đường biên mậu, đến các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây, hoặc phải qua trung gian là quốc gia Thái Lan mới có thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc thì nay sầu riêng có thể theo đường chính ngạch đến với nhiều tỉnh và thành phố hơn. Điều này mở ra cơ hội thâm nhập sâu và rộng hơn cho trái sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung vào thị trường Trung Quốc.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhấn mạnh, đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ vì các nội dung của nghị định thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ.

Theo nghị định thư giữa hai bên, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây. Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và GACC phê duyệt.

Theo đại diện các doanh nghiệp, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... trái sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc còn phải được lựa chọn khắt khe. Trái sầu riêng ngon nhất phải được hái từ cây 7 năm tuổi trở lên và “chín già”, do những người nhiều kinh nghiệm tuyển chọn. Bên cạnh đó, sầu riêng xuất khẩu phải có dáng tròn, đồng đều về trọng lượng.

Các cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng, bao gồm thông tin ngày chế biến, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trước niềm vui này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng cho biết, 20 công sầu riêng của Đắk Lắk được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc là dấu hiệu tích cực để phát triển nông sản cả nước.

"Để có được những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch ngày hôm nay, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác" - ông Lê Minh Hoan cho hay.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý các loại nông sản, trong đó có sầu riêng, nếu muốn tạo thị trường bền vững thì mọi cá nhân trong chuỗi giá trị nông sản cần phải chung sức chung lòng, hợp tác để cùng đi lên.

Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước cần "đi cùng nhau" trong tổng thể không gian liên kết phát triển. Đồng thời, có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt 76 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này. Các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và được cả MARD và GACC phê duyệt. Trong số 25 mã số cơ sở đóng gói được phê duyệt vừa qua, có cơ sở tại Đắk Lắk của Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Việt Nam). Để được công nhận, các cơ sở đóng gói phải đủ nguồn nước sạch, nguồn cung cấp điện, có hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định. Bên cạnh đó, bố trí đủ cơ sở vật chất cho việc tập kết, phân loại, sơ chế, bảo quản và đóng gói theo nguyên tắc một chiều, có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại tránh tái nhiễm và lây nhiễm chéo. Các cơ sở cũng cần được trang bị đủ trang thiết bị và phải được bảo quản và hiệu chỉnh định kỳ theo quy định của nước nhập khẩu...

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam