Dự thảo Luật Giá (sửa đổi):

Phân công, phân cấp hơn nữa trong quản lý nhà nước về giá

08:25 | 21/09/2022 Print
(TBTCO) - Tờ trình Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét chiều 19/9. Theo đó, dự thảo tiếp tục bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về giá nói chung cũng như định giá nhà nước nói riêng.

Bổ sung 2 mặt hàng vào danh mục Nhà nước định giá

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cơ bản kế thừa, cụ thể hóa các quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại luật hiện hành; sửa đổi, chuẩn hóa các thuật ngữ cho phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; bỏ quy định về thanh tra chuyên ngành về giá để đảm bảo thực hiện thống nhất theo Luật Thanh tra.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các luật khác có liên quan, đảm bảo nguyên tắc về việc xử lý các chồng chéo khi có các quy định khác nhau giữa các luật ban hành trước và sau khi Luật Giá có hiệu lực, nhằm tăng cường tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Đồng thời, dự thảo đề nghị bổ sung 2 mặt hàng gồm sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất.

Phân công, phân cấp hơn nữa trong quản lý nhà nước về giá

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ hữu ích trong điều hành giá mặt hàng này. Ảnh: TL

Về thẩm quyền và trách nhiệm định giá, dự thảo bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về giá nói chung cũng như định giá nhà nước nói riêng. Theo đó, Chính phủ sẽ chỉ định hướng các mục tiêu quản lý, điều hành giá chung, ban hành hoặc chỉ đạo các bộ ban hành các văn bản dưới luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Việc quy định như trên cũng phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ định giá đối với một số mặt hàng chiến lược, đặc biệt quan trọng mà khi điều chỉnh giá cần xem xét toàn diện đến nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô, đời sống người dân. Trên cơ sở đó, thẩm quyền, trách nhiệm định giá các hàng hóa, dịch vụ cụ thể sẽ cơ bản được giao cho cấp bộ theo lĩnh vực quản lý hàng hóa, dịch vụ và cấp UBND tỉnh theo phạm vi địa bàn quản lý.

Liên quan đến chính sách về bình ổn giá, các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách. Trong đó, tiếp tục áp dụng công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dự thảo luật quy định 4 biện pháp bình ổn giá có thời hạn gồm: điều hòa, kiểm soát cung cầu; các biện pháp về tài chính, tiền tệ; quy định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá; áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Thảo luận về dự án luật, đa số ý kiến trong UBTVQH nhất trí với đề xuất sửa đổi luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá. Các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị công phu, hồ sơ dự án luật tương đối đầy đủ theo quy định. Đồng thời, các thành viên UBTVQH cũng tham gia góp ý về nhiều nội dung như thẩm quyền quyết định, điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục; về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu…

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, sửa đổi Luật Giá là một dịp để đánh giá căn cơ về quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá. Trước đây, Bộ Tài chính phụ trách toàn bộ công tác này, bao gồm cả giá điện, giá thuốc, giá năng lượng, giá đất… Hiện nay, Bộ Tài chính chỉ giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá, còn giá cụ thể thì phân cấp cho các bộ, ban, ngành khác. Cho rằng đây là bước tiến quan trọng, đem đến kết quả tích cực, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đánh giá thêm việc chuẩn bị tâm thế và lực lượng để thực hiện công tác điều hành, quản lý giá ở các bộ chuyên ngành.

Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước để bù giá, bù lỗ

Về bình ổn giá, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung - cầu; điều hòa sản xuất trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức lưu thông hàng hóa; áp dụng các giải pháp về tài chính, tiền tệ linh hoạt. Đối với một số mặt hàng cần có khung giá phù hợp; kiểm soát tốt giá, từ đó kiềm chế lạm phát hoặc thiểu phát; hạn chế can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường; hạn chế áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá thông qua trực tiếp sử dụng ngân sách Nhà nước để bù giá, bù lỗ.

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu dự thảo vẫn giữ thì cần có sự phân tích, đánh giá cụ thể, mặt lợi, hại của việc giữ hay bỏ quỹ.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Về danh mục các mặt hàng do Nhà nước định giá, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện lại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) theo hướng danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá do Quốc hội quyết định. Khi sửa đổi, bổ sung thì Chính phủ sẽ trình UBTVQH quyết định.

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng nêu rõ, thời gian qua lợi ích của quỹ rất lớn trong điều hành giá xăng dầu, nhất là khi có biến động lớn trong năm 2022. Cùng với các công cụ khác như thuế, phí... đa dạng hóa nguồn cung, giảm chi phí, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là rất hữu ích. Việc giảm thuế, phí có thể phù hợp trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì không ít khó khăn, ảnh hưởng đến thu ngân sách. Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ để điều hành, bao gồm cả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu góp phần quản lý hiệu quả mặt hàng này.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật, hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4. Trường hợp cần thiết có thể báo cáo thêm tại kỳ họp vào tháng 10/2022 để xin ý kiến của UBTVQH, sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4.

Đề nghị quy định giá bán tối đa với sách giáo khoa

Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chính phủ đề xuất đưa mặt hàng sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo Chính phủ, đây là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tại nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá cụ thể.

Tán thành đề xuất này, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu. Giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân; đồng thời cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam