Những bước đi cơ bản giúp Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng tiến tới Kho bạc số

08:00 | 21/09/2022 Print
Phối hợp thu ngân sách, cải cách mạnh mẽ phương thức giao dịch, tích cực xử lý hồ sơ, chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến… là những bước đi cơ bản giúp Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng tiệm cận kho bạc 3 không và hướng tới kho bạc số.

Trên 99% chứng từ được xử lý trên dịch vụ công trực tuyến

Cũng như các đơn vị kho bạc nhà nước (KBNN) trong toàn hệ thống, tại KBNN Đà Nẵng hiện nay đã vắng bóng khách hàng giao dịch trực tiếp. Dù vào thời điểm cao nhất (cuối tháng, cuối quý), lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp cũng chỉ còn chiếm khoảng 10% so với trước đây. Lượng hồ sơ giấy trong giao dịch tại KBNN Đà Nẵng đã giảm rõ rệt.

Những bước đi cơ bản giúp Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng tiến tới Kho bạc số
Công chức KBNN Đà Nẵng đang đối chiếu các số liệu thanh toán vốn ngân sách. Ảnh: H.T

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Quảng Thống - Giám đốc KBNN Đà Nẵng cho biết, có được kết quả này là nhờ đơn vị đã tích cực đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của kho bạc. Theo đó, mặc dù KBNN Đà Nẵng triển khai DVCTT từ năm 2019, nhưng đến tháng 10/2020, 100% các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn thành phố (trừ các đơn vị thuộc khối an ninh, quốc phòng) đã tham gia, tỷ lệ chứng từ thanh toán trên DVCTT chiếm trên 99% lượng chứng từ giao dịch tại KBNN Đà Nẵng, đưa KBNN Đà Nẵng trở thành một trong số ít đơn vị về đích sớm hơn theo lộ trình quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN.

Cùng với triển khai, vận hành hiệu quả DVCTT, KBNN Đà Nẵng còn hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách cài đặt thành công phần mềm ứng dụng cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN trên thiết bị di động với gần 90% đơn vị thực hiện cài đặt. Ứng dụng giúp chủ tài khoản, kế toán trưởng nắm bắt kịp thời các biến động tài khoản, đảm bảo cảnh báo sớm các rủi ro, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hiện tượng vi phạm chính sách, chế độ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực KBNN.

Thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt, KBNN Đà Nẵng đã chỉ đạo sát sao các đơn vị KBNN trực thuộc tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại (NHTM) đã ký thỏa thuận phối hợp thu, ủy nhiệm chi ngân sách nhà nước (NSNN) với kho bạc để thường xuyên rà soát, trao đổi, cập nhật kịp thời số liệu thu - chi NSNN theo đúng quy định.

Trong hơn 10 năm qua, KBNN Đà Nẵng đã luôn nỗ lực đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thu và cải cách phương thức giao dịch. Ngoài tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thu - nộp NSNN qua kênh thanh toán liên ngân hàng, qua máy chấp nhận thẻ (POS), KBNN Đà Nẵng còn tích cực phối hợp 9 chi nhánh NHTM (Agribank, MBBank, BIDV, Vietinbank, VCB, SHB, VPbank, Seabank, Lienvietpostbank) để mở tài khoản chuyên thu, tài khoản thanh toán thường xuyên giúp cho các đơn vị, cá nhân dễ dàng thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN mà không phải đến trực tiếp KBNN để nộp như trước nữa.

Đến nay, gần 90% số thu NSNN đã được thực hiện thông qua các chi nhánh NHTM được KBNN Đà Nẵng ủy nhiệm, nên công tác thu NSNN của thành phố luôn đảm bảo kịp thời, nhanh chóng.

Hoạt động chi NSNN bằng tiền mặt cũng được KBNN Đà Nẵng từng bước chuyển sang các NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán thông qua hệ thống thanh toán song phương điện tử. Nhờ đó, lượng tiền mặt giao dịch tại KBNN Đà Nẵng đã giảm đi rõ rệt. Hiện nay, 100% các khoản chi tiền mặt có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên trong 1 lần giao dịch đều được thực hiện thông qua hệ thống NHTM. 100% các khoản thanh toán cá nhân đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo hợp đồng… đều được chi trả thông qua tài khoản mở tại NHTM.

Ông Phan Quảng Thống cho biết, đến cuối tháng 6 vừa qua, KBNN Đà Nẵng đã tiệm cận kho bạc 3 không (không có tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp, không có hồ sơ chứng từ giấy). Theo đó, đến năm 2025 đơn vị sẽ hoàn thành triển khai đề án không dùng tiền mặt.

Hướng tới kho bạc số

Năm 2022 là năm đầu KBNN triển khai bản “Kiến trúc tổng thể hướng tới kho bạc số” nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống theo mô hình quản trị hiện đại, hướng tới kho bạc số vào năm 2030. Theo đó, KBNN Đà Nẵng cũng đang quyết liệt cải cách để hướng tới mục tiêu này.

Những bước đi cơ bản giúp Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng tiến tới Kho bạc số
Công chức KBNN Đà Nẵng đang thực hiện kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn ngân sách trên DVCTT. Ảnh: H.T

Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng cho biết, bản quy hoạch kiến trúc tổng thể có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả của hệ thống KBNN theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị, tổ chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và là nền móng để hệ thống KBNN tiến nhanh đến kho bạc số vào năm 2030. Vì vậy, giai đoạn 2021 - 2025, KBNN Đà Nẵng sẽ tập trung liên kết, liên thông dữ liệu với các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; củng cố, hoàn thiện dịch vụ của kho bạc điện tử; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu.

Để thực hiện mục tiêu kho bạc số vào năm 2030, thời gian tới, KBNN Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính toàn diện trên các mặt hoạt động nghiệp vụ, cũng như cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

Thực hiện nhiệm vụ này, từ cuối năm 2021, KBNN Đà Nẵng đã triển khai quy trình liên thông, kết nối 3 hệ thống gồm: DVCTT, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) và thanh toán song phương điện tử, góp phần chuẩn hóa dữ liệu từ phía đơn vị sử dụng ngân sách. Với việc liên thông 3 hệ thống, sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin chi thường xuyên, kế toán trưởng và lãnh đạo KBNN ký duyệt trên hệ thống DVCTT, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện Tabmis, thanh toán song phương điện tử và chuyển sang ngân hàng, không cần xử lý thủ công như trước đây.

Quy trình liên thông không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tạo thuận tiện cho các bên liên quan mà còn giúp cán bộ kho bạc tránh được các sai sót khi nhập số liệu. Đồng thời, quy trình đã cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi NSNN qua KBNN cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách.

Đặc biệt, người đứng đầu KBNN Đà Nẵng cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị đã tiếp tục triển khai bổ sung một số chương trình cơ bản như chương trình ứng dụng hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN phục vụ trực tiếp trong công tác quản lý, kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư qua KBNN; kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị giao dịch vào DVCTT nhằm tạo điều kiện để đơn vị giao dịch rút ngắn thời gian phải tác nghiệp thủ công trên nhiều ứng dụng tại đơn vị và trên DVCTT.

Để thực hiện mục tiêu kho bạc số vào năm 2030, thời gian tới, KBNN Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính toàn diện trên các mặt hoạt động nghiệp vụ, cũng như cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

Đồng thời, KBNN Đà Nẵng tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử nhằm đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục hành chính và nội dung kiểm soát thanh toán, rút ngắn thời gian giải quyết; tiếp tục đẩy mạnh triển khai DVCTT và triển khai cổng dữ liệu phục vụ quy trình thanh toán lương, thanh toán tự động điện, nước, viễn thông qua DVCTT; gia tăng các tiện ích để hỗ trợ cho người sử dụng./.

An Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam