Sức ép hai chiều lên thị trường tiền tệ

Bài 2: Nhiệm vụ vẫn phải giữ mặt bằng lãi suất thấp

08:24 | 22/09/2022 Print
(TBTCO) - Xu hướng lãi suất tăng đang hiện hữu. Tuy nhiên, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 11 về triển khai Nghị quyết 43) hiện vẫn còn hiệu lực. Hai nghị quyết này đều có nội dung đặt ra yêu cầu phải giảm được lãi suất cho vay trong 2 năm 2022 - 2023.
Sức ép hai chiều lên thị trường tiền tệ

Lãi suất cho vay phải giảm

Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được Quốc hội ban hành đầu năm 2022. Trong đó, một trong những quan điểm chủ đạo được nêu ra là bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, chương trình phòng, chống dịch Covid-19…

Trong đó riêng với chính sách tiền tệ, Nghị quyết 43 đặt ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Yêu cầu về việc phải giảm lãi suất cho vay khoản 0,5% - 1% cũng được đề cập trong Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Ngoài ra, chính sách tiền tệ cũng đặt ra yêu cầu việc phải theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất.

Một số yêu cầu khác được đặt ra đối với chính sách tiền tệ quy định trong Nghị quyết 43 là điều tiết tiền tệ hợp lý; cân đối giải pháp về tiền tệ hỗ trợ chương trình, với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt…

Lãi suất điều hành giảm về mặt “so sánh tương đối”

Đối với vấn đề điều hành lãi suất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú mới đây cho biết, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đối với Việt Nam, lạm phát là vấn đề đang được quan tâm và Chính phủ cũng đang chỉ đạo nhiều biện pháp để ngăn chặn lạm phát. Trong 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu dùng CPI tiếp tục được duy trì ở mức hợp lý với 2,58%. Tuy nhiên, các yếu tố về tiền tệ cũng như một số nguyên nhân khác vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ, nên theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc điều hành lãi suất lúc này được tính toán một cách chặt chẽ, thận trọng.

Các mục tiêu, chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết 43

Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Để giải quyết bài toán đặt ra lúc này là vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt để đạt được mục tiêu này. Tình hình kinh tế trong và ngoài nước trong giai đoạn từ năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 cho thấy, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất lên rất cao, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì ổn định mức lãi suất điều hành. Lý giải về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu xét về góc độ tương đối trong tương quan với các nước đang có lãi suất tăng nhanh thì có thể xem như chúng ta đang giảm lãi suất điều hành (so sánh tương đối). Việc giữ lãi suất điều hành đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn với giá hợp lý, rẻ hơn.

Đối với lãi suất của các ngân hàng thương mại, thời gian vừa qua mặc dù có biến động tăng nhưng ở mức độ rất nhẹ so với mức tăng lãi suất bình quân của các nước trong khu vực. Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ từ 7,9 - 9,3%, kể cả dư nợ cũ và dư nợ mới; lãi suất huy động bình quân từ 6,3 – 6,8% đối với kỳ hạn trên 1 năm. Các mức lãi suất này so với các năm gần đây đã được duy trì khá ổn định.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam