Hỗ trợ doanh nghiệp vượt "rào cản" phòng vệ thương mại

08:18 | 22/09/2022 Print
(TBTCO) - Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công thương Lê Triệu Dũng, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ Công thương đang triển khai Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại và thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản phòng vệ thương mại, gia tăng xuất khẩu hàng Việt Nam (theo Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Cứ hai tuần Việt Nam phải ứng phó với một vụ việc phòng vệ thương mại

Theo đánh giá của Bộ Công thương, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Ông Lê Triệu Dũng cho biết, đến thời điểm này đã có 214 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Riêng trong nửa đầu năm, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời...

Việc các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Việc các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: TL

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng các nền kinh tế đang gia tăng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước. Nguy cơ cao và khó lường hơn khi Việt Nam tập trung xuất khẩu vào những thị trường thường xuyên sử dụng các biện pháp PVTM như Hoa Kỳ, EU hay những thị trường hàng hóa Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu như Canada, ASEAN.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, đáng cảnh báo là khi các doanh nghiệp xuất khẩu của một nước bị áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp này thường tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất sang nước khác. Trong khi đó, với chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp đó để dịch chuyển sản xuất. Tuy nhiên, điều này khiến xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến, khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và bị áp dụng các biện pháp PVTM bổ sung hoặc chế tài xử phạt của nước nhập khẩu.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Về giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản PVTM bà Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường mới. Đến nay, công cụ PVTM có thể nói chưa "thấm" vào doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng chưa nắm chắc được các tiêu chuẩn, đòi hỏi của thị trường xuất khẩu; chưa có thói quen để ứng dụng tiêu chuẩn vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp chưa có sự hợp tác trong việc đảm bảo lợi ích, chú trọng nâng cao năng lực pháp lý… Đây chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trước các vụ kiện PVTM.

Theo ông Lê Triệu Dũng, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ triển khai các hoạt động cảnh báo sớm; tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ và/hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với ngành.

Vận hành hệ thống cảnh báo sớm

Bộ Công thương cho biết, đang vận hành hệ thống cảnh báo sớm cho doanh nghiệp trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của nước nhập khẩu. Cụ thể là theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nắm bắt, có biện pháp phòng ngừa.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục PVTM sẽ duy trì liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp bày tỏ quan điểm, phản bác các lập luận thiếu căn cứ, đồng thời cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc…

Trường hợp bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc; có thể xem xét sử dụng luật sư tư vấn am hiểu pháp luật PVTM của WTO và nước điều tra (nếu cần); phối hợp với hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu khác để cùng xử lý; trao đổi với Cục PVTM, Bộ Công thương để thống nhất nội dung trả lời trong vụ việc điều tra chống trợ cấp hoặc vấn đề “thị trường đặc biệt” trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

“Trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trên thực tế trong một số vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn đều không bị áp thuế chống bán phá giá (như cá tra/basa, tôm, lốp xe), góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu” - ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.

Song Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam