Thu hồi đất cho dự án đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp

12:10 | 22/09/2022 Print
(TBTCO) - Thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những vấn đề Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ là về các trường hợp thu hồi, trưng dụng đất. Cơ quan thẩm tra cho rằng việc thu hồi đất phục vụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư Chủ tịch Quốc hội dự Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Bỏ khung giá đất là cuộc cách mạng về tư duy quản lý

Tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 69), thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 70), xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất cần bảo đảm tuân thủ các trường hợp đã quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013. Quy định tại điểm h khoản 2 Điều 70 dự thảo Luật về việc Nhà nước thu hồi đất đối với “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại” sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Mặt khác, Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc thu hồi đất phục vụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp.

Về tài chính, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các quy định về các khoản thu tài chính từ đất đai, điều tiết nguồn thu từ đất. Đề nghị Chính phủ có lộ trình rà soát, tổng kết thi hành Luật Ngân sách nhà nước, luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thể chế hóa các yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).

Về giá đất, dự thảo Luật tiếp tục quy định UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Tuy nhiên, quy định của dự thảo Luật chưa làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm.

Để bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần quy định việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là bắt buộc; thành viên Hội đồng thẩm định giá đất phải là các chuyên gia, cơ quan chuyên môn có liên quan đến hoạt động định giá đất, bảo đảm tính độc lập với cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể. Dự thảo Luật cũng chưa làm rõ các khái niệm và cách xác định “vùng giá trị đất”, “giá thửa đất chuẩn”, cơ quan có trách nhiệm xây dựng hồ sơ giá đất cho từng vùng giá trị đất và đến từng thửa đất.

Tiếp cận đất đai trong khu công nghiệp: Tránh phát sinh cơ chế “xin - cho”

Đối với một số chính sách mới trong dự thảo Luật về tập trung đất nông nghiệp (Điều 163) và tích tụ đất nông nghiệp (Điều 164), Ủy ban Kinh tế cho rằng cần được xem xét, đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là những vấn đề có thể phát sinh sau khi thực hiện tập trung và tích tụ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh kế và an sinh xã hội trong dài hạn của người nông dân.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Về phát triển quỹ đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét trường hợp “đất thu hồi để thực hiện dự án tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất” (điểm a khoản 3 Điều 103), bảo đảm phù hợp với các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã quy định trong dự thảo Luật; không mở rộng thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất đối với dự án thuần túy vì lợi ích của nhà đầu tư. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu chế định này về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý tài chính, hoạt động… để tránh tình trạng chồng chéo với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; làm rõ sự cần thiết, địa vị pháp lý, cơ chế quản lý, hoạt động của quỹ phát triển đất.

Điều 108 dự thảo Luật quy định về ngân hàng đất nông nghiệp, đây là nội dung mới, do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế về triển khai mô hình ngân hàng đất nông nghiệp để xem xét việc áp dụng trong điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp.

Về đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp (Điều 172), Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định này nhằm tạo điều kiện tiếp cận đất đai trong khu công nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường… tuy nhiên, cần làm rõ cơ quan quản lý quỹ đất này; thẩm quyền, trình tự, thủ tục cho thuê đất để không phát sinh cơ chế “xin-cho” thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, cần đánh giá tính khả thi của việc Nhà nước hoàn trả chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng đối với phần diện tích này, làm rõ hình thức hoàn trả và sự phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công.

Áp dụng cơ chế tự thoả thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại (Điều 68), Ủy ban Kinh tế cho rằng do các dự án đô thị, nhà ở thương mại chủ yếu phục vụ lợi ích của nhà đầu tư, việc áp dụng cơ chế tự thỏa thuận trong trường hợp này cũng bảo đảm không mở rộng trường hợp thu hồi đất ra ngoài phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; tôn trọng quan hệ dân sự giữa người sử dụng đất và nhà đầu tư. Do đó, việc cho phép nhà đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, thay vì áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp này, là phù hợp cả về cơ sở chính trị và thực tiễn.

Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”; đồng thời “đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cần sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam