Gần 1.600 vụ việc hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý

14:54 | 22/09/2022 Print
(TBTCO) - Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 1.600 vụ liên quan đến hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, số tiền xử phạt lên đến gần 20 tỷ đồng.
Gần 1.600 vụ việc hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý

Nhiều loại thuốc thông dụng bị là giả tinh vi, người tiêu dùng khó phát hiện. Ảnh do BTC cung cấp

Thông tin được ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra tại hội thảo "Thuốc và Thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp", do Viện Phát triển Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 22/9.

Trong số gần 1.600 vụ việc hàng giả, không rõ nguồn gốc bị phát hiện, có 60 vụ là hành vi giả về chất lượng, công dụng, bị xử phạt gần 2 tỷ đồng; 357 vụ giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, xử phạt trên 3,8 tỷ đồng; nhiều nhất là vi phạm hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xử phạt hơn 6,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Lê Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho rằng, cơ quan quản lý dược - Bộ Y tế cần kịp thời đưa ra cảnh báo với các loại thuốc chưa được cấp phép lưu hành, nhưng có nguy cơ thâm nhập, hoặc có dấu hiệu đang lưu thông trên thị trường trong nước để người tiêu dùng nhận biết.

Nhóm thuốc và thực phẩm chức năng là một trong những nhóm hàng hoá đang gia tăng số vụ và số lượng hàng hoá bị làm giả dưới nhiều hình thức.

Theo bà Nguyễn Diệu Hà - Tổng thư ký chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội.

“Trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả, thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt” - bà Diệu Hà chia sẻ.

Đáng lo ngại là tình trạng thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc được đưa vào Việt Nam theo hình thức xách tay đang rất phổ biến. Theo ông Nguyễn Đức Lê, chưa có sự kiểm chứng nào về chức năng, công hiệu của các sản phẩm được gọi là “thuốc và thực phẩm chức năng năng xách tay”, nhưng người tiêu dùng rất dễ tin vào thông tin quảng cáo của người bán và sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ như vậy./.

Gia Cư - Băng Tâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam