Hoàn thành hải quan số, tạo nền tảng cho hải quan thông minh

08:17 | 24/09/2022 Print
(TBTCO) - Theo ông Lương Khánh Thiết - Phó Vụ trưởng, Phó trưởng ban phụ trách Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan), từ nay tới năm 2025, ngành Hải quan đã đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam hiện đại, cơ bản hoàn thành hải quan số theo định hướng chính phủ số, tạo nền tảng xây dựng hải quan thông minh.
Cải cách, hiện đại hóa hải quan: Đích cuối cùng là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

PV: Ngày 13/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 1855/QĐ-BTC ban hành “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025”. Trong bản kế hoạch này, Hải quan Việt Nam đặt mục tiêu gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Lương Khánh Thiết: Trong bản kế hoạch, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số theo định hướng chính phủ số, tạo nền tảng xây dựng hải quan thông minh.

Hoàn thành hải quan số, tạo nền tảng cho hải quan thông minh
Ông Lương Khánh Thiết

Mục tiêu đó được xây dựng trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước về hải quan đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về hải quan gắn với cải cách, đổi mới hoạt động nghiệp vụ hải quan trong thực hiện hải quan số, tự động hóa thực hiện các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu…

Tất cả đều hướng tới cái đích cuối cùng là tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới; tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng; thực hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

PV: Chắc hẳn mục tiêu đó sẽ được cụ thể hoá bằng những chỉ tiêu được “đong đếm, định lượng” rõ ràng. Xin ông chia sẻ về những chỉ tiêu này?

Ông Lương Khánh Thiết: Đúng vậy, để đạt được mục tiêu tổng quát trong kế hoạch, chúng tôi đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể với từng lĩnh vực công việc để có tiêu chí phấn đấu, cụ thể là đến năm 2025.

Trong đó, với nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Hải quan, xây dựng hải quan số hướng đến hải quan thông minh, Hải quan Việt Nam phấn đấu hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hải quan thực hiện hải quan số; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa; 90% hồ sơ dịch vụ số được xử lý trực tuyến; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đồng thời được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc, 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống...

Hoàn thành hải quan số, tạo nền tảng cho hải quan thông minh

Việc nộp chứng từ điện tử thay thế chứng từ giấy đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí. Ảnh: Xuân Bắc

Đối với nhiệm vụ cải cách, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ hải quan, phấn đấu tỷ lệ tờ khai công chức hải quan phải kiểm tra hồ sơ không quá 33%, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa không quá 4,5%; 100% hình ảnh giám sát bằng camera tại các khu vực thuộc địa bàn hoạt động hải quan được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan; 100% các cửa khẩu đường bộ quốc tế triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới; 100% các cửa khẩu, cảng, kho, bãi đáp ứng điều kiện được triển khai.

Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động để quản lý, giám sát hàng hóa đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực giám sát hải quan bằng phương thức điện tử; cắt giảm ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hải quan đang có hiệu lực thi hành,…

Bên cạnh đó, ngành Hải quan đặt chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nội luật hóa toàn bộ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan; ký kết tối thiểu 2 điều ước quốc tế về hải quan với các nước đối tác, 1 thỏa thuận công nhận lẫn nhau doanh nghiệp ưu tiên với hải quan các nước; 100% các nội dung liên quan đến mức độ tuân thủ pháp luật được công khai, tra cứu trên hệ thống; 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng với việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hải quan.

PV: Được biết, để có thể hoàn thành mục tiêu, đặc biệt là các chỉ tiêu hết sức cụ thể như ông vừa nêu, kế hoạch đã chỉ rõ những giải pháp cần triển khai thực hiện. Trong đó có cả giải pháp về thể chế; về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; về quản lý rủi ro; kiểm soát hải quan; kiểm tra sau thông quan; quản lý thuế; công nghệ thông tin, công nghệ số và Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN,… Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất vẫn là tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực và đào tạo. Xin ông chia sẻ đôi điều về nhóm giải pháp này?

Ông Lương Khánh Thiết: Trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hải quan để phù hợp, đáp ứng với yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan, thực hiện hải quan số, hải quan thông minh và các yêu cầu của Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030.

Cùng với đó là triển khai Hệ thống quản lý cán bộ tập trung ngành Tài chính đảm bảo phù hợp với yêu cầu của ngành; hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong ngành Hải quan; phát triển và bổ sung nguồn lực làm chủ các công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong các lĩnh vực quản lý và các khâu nghiệp vụ đảm bảo thực hiện quản lý và triển khai hải quan số hiệu quả, hướng tới hải quan thông minh.

Đặc biệt sẽ kiện toàn, bổ sung nguồn nhân lực kiểm định hải quan để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra an toàn thực phẩm, theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại để tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ dưới hình thức trực tuyến; triển khai mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm đối với 8 lĩnh vực nghiệp vụ chính đáp ứng yêu cầu triển khai và quản lý hải quan trong môi trường số.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, một số việc quan trọng cũng sẽ được triển khai như đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan và đội ngũ chuyên gia cấp tổng cục, cấp hải quan vùng; tập trung đào tạo nguồn nhân lực về các kiến thức liên quan đến hoạt động quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu; tăng cường đào tạo các kiến thức liên quan đến quản lý trong môi trường số, làm chủ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đảm bảo nguồn nhân lực quản lý hải quan số, hải quan thông minh.

Đặc biệt là sẽ tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng; thúc đẩy hợp tác đào tạo, bồi dưỡng song phương; tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp tham gia cập nhật kiến thức, chính sách, pháp luật hải quan đặc biệt là các đại lý làm thủ tục hải quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đông Mai

© Thời báo Tài chính Việt Nam