Vạch trần nhiều "chiêu" trục lợi tiền hoàn thuế

07:33 | 23/09/2022 Print
(TBTCO) - Lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, nhiều đối tượng cố tình vi phạm pháp luật thuế. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng, cơ quan thuế các cấp đã vạch trần nhiều chiêu trò gian lận, trục lợi tiền hoàn thuế.

Nhận diện nhiều chiêu trò gian lận hoàn thuế

Ông Vũ Mạnh Cường – Cục trưởng Cục Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhanh chóng, kịp thời, theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp (DN) quay vòng vốn nhanh, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng vốn. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, nhiều đối tượng cố tình vi phạm pháp luật thuế. Đặc biệt, các đối tượng thành lập DN “ma”, mua bán hóa đơn lòng vòng, kê khai nâng khống hàng hóa xuất khẩu để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế đã nhận diện được nhiều hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT. Cụ thể ông Vũ Mạnh Cường cho biết, các DN F0 (DN hoàn thuế GTGT) có nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, có tổ chức. Các đối tượng thường sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, sau đó lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu như: việc ký kết hợp đồng giữa F0 với các DN trung gian (F1, F2, F3...) được diễn ra tại nhiều địa phương. Hàng hóa mua bán qua nhiều khâu trung gian, diễn ra lòng vòng, giao dịch thanh toán qua ngân hàng được các đối tượng giao dịch chuyển khoản và rút tiền mặt ngay trong ngày. Các DN F1, F2, F3… thành lập trong thời gian ngắn nhưng chuyển địa điểm liên tục hoặc không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh,...

Nguồn: Tổng cục thuế.  Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục thuế. Đồ họa: Văn Chung

Để ngăn chặn hành vi gian lận tiền hoàn thuế, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau hoàn thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế... Tuy nhiên, các hành vi gian lận tiền hoàn thuế ngày càng phức tạp, với các thủ đoạn vô cùng tinh vi.

Điển hình là 2 trường hợp gian lận hoàn thuế diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, Lạng Sơn vừa qua. Bằng các biện pháp nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế Đồng Nai và Cục Thuế Lạng Sơn đã phát hiện, ban hành quyết định truy hoàn với tổng số tiền truy hoàn và chậm nộp lên đến 278,3 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc trên sang cơ quan công an để điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật.

Thu nộp ngân sách hàng ngàn tỷ đồng qua thanh, kiểm tra

Thông tin thêm về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, ông Vũ Mạnh Cường cho hay, thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra hoàn thuế GTGT; các biện pháp đối chiếu, xác minh, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan hải quan, ngân hàng, công an,... để thực hiện các nghiệp vụ trong thanh tra, kiểm tra; tổ chức phổ biến các hành vi vi phạm, trao đổi kinh nghiệm về các dấu hiệu, hành vi vi phạm trong hoàn thuế GTGT để có biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm với trường hợp người nộp thuế có gian lận trong việc sử dụng hóa đơn và hoàn thuế. Đồng thời, cơ quan thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại DN kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp của DN, qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo quy định…

Công tác hậu kiểm vô cùng quan trọng

Nêu rõ tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại Hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), được tổ chức ngày 16/9 vừa qua tại Quảng Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho rằng, với cơ chế quản lý thuế hiện nay là người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm, thì công tác hậu kiểm đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước của các tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện một cách đầy đủ và công bằng. Theo đó, để đảm bảo tổ chức hoạt động thanh tra phù hợp với thực tiễn của ngành, Tổng cục Thuế đề nghị dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) giữ nguyên nội dung quy định về cơ quan thuế được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành làm căn cứ pháp lý cho hoạt động của thanh tra tại các chi cục thuế, cục thuế và Tổng cục Thuế như thực tế hiện nay vẫn đang thực hiện.

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt, phát hiện các trường hợp DN có dấu hiệu rủi ro cao trong hoàn thuế GTGT, lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Thuế đã thực hiện được 4.031 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 362,5 tỷ đồng.

Đề cập đến nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Vũ Mạnh Cường cho hay, ngành Thuế tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra; đổi mới cách thức làm việc; tích cực trao đổi, phối hợp, nắm thông tin từ các cơ quan liên quan; thực hiện thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành; áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro...

“Trong giai đoạn từ 2017 - 2021, toàn ngành Thuế thực hiện được gần 450.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó tăng thu cho ngân sách Nhà nước gần 89.000 tỷ đồng. Phần lớn kết quả này do cấp cục thuế và chi cục thuế thực hiện” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng thông tin, tại Hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) diễn ra vừa qua.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam