Tăng lãi suất điều hành sẽ tác động tới lãi suất tiền gửi thế nào?

07:42 | 23/09/2022 Print
(TBTCO) - Ngân hàng Nhà nước đã chính thức tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản, sau khi FED tăng lãi suất USD lên 0,75% và đưa ra quan điểm “diều hâu” về thắt chặt chính sách tiền tệ. Dự báo, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30 - 50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022.

Đây là dự báo về lãi suất tiền gửi sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tăng lãi suất điều hành chiều muộn ngày 22/9/2022 của các chuyên gia của VNDIRECT Research, trong Báo cáo cập nhật vĩ mô “Tăng lãi suất điều hành và những tác động lên dự báo vĩ mô”.

Lãi suất điều hành tăng, “cửa hẹp” hơn với nới room tín dụng

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra quan điểm “diều hâu” hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 9 vừa qua, đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh và phá đỉnh 20 năm trên thị trường quốc tế.

Trước những diễn biến có phần bất lợi trên thị trường quốc tế, chiều ngày 22/9, NHNN Việt Nam đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5% và trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%. Các mức lãi suất mới sẽ chính thức áp dụng từ ngày 23/9/2022.

Tăng lãi suất điều hành sẽ tác động tới lãi suất tiền gửi thế nào?
"Chúng tôi có đôi chút bất ngờ về mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành (cao hơn so với dự báo trước đó của chúng tôi ở mức 50 điểm cơ bản cho năm 2022). Sau đợt tăng lãi suất lần này, chúng tôi cho rằng ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022" - Chuyên gia VNDIRECT Research nhận định.

Đánh giá về quyết định này, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT Research) cho rằng, hành động trên của NHNN Việt Nam là tương đối quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế.

“Tuy vậy, chúng tôi có đôi chút bất ngờ về mức tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành (cao hơn so với dự báo trước đó của chúng tôi ở mức 50 điểm cơ bản cho năm 2022). Sau đợt tăng lãi suất lần này, chúng tôi cho rằng ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022” – ông Đinh Quang Hinh cho hay.

Theo đại diện NHNN tính đến ngày 26/8, tín dụng đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,9% của thời gian 8 tháng đầu năm 2021. Ngày 7/9, NHNN thông báo đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Cụ thể, khoảng 18 ngân hàng đã được cấp thêm hạn ngạch tăng trưởng tín dụng trong lần điều chỉnh này với mức tăng nằm trong phạm vi 0,7-4,0%. Chuyên gia của VNDIRECT Research ước tính rằng, khoảng 279 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bổ sung cho nền kinh tế trong 4 tháng tới, tương đương với tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2,7%.

“Chúng tôi cho rằng NHNN đang ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, đồng thời duy trì lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi của nền kinh tế. Do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng NHNN nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là không cao” – Chuyên gia của VNDIRECT Research nhận định.

Lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong chặng cuối năm 2022 và sang 2023

Theo số liệu từ VNDIRECT Research, tính tới ngày 14/9/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã tăng mạnh lần lượt là 44 điểm và 51 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tăng chậm hơn đáng kể. Cụ thể, tính tới ngày 14/9/2022, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước mới tăng lần lượt là 3 diểm và 7 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021.

Tăng lãi suất điều hành sẽ tác động tới lãi suất tiền gửi thế nào?

Các chuyên gia của VNDIRECT Research vẫn duy trì dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022. Ông Đinh Quang Hinh đưa ra các yếu tố để lý giải cho điều này: (1) NHNN có thể nâng lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm 2022; (2) NHNN đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại; (3) Tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 (+4,2% so với đầu năm, +9,9% so với cùng kỳ) do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác; (4) FED dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25 - 4,5% vào cuối năm 2022; (5) USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.

“Chúng tôi dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30 - 50 điểm cơ bản từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm” - chuyên gia của VNDIRECT Research dự báo.

Sang năm 2023, các chuyên gia của VNDIRECT Research cho rằng, đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì. Nguyên nhân là do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá; đồng thời, các ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

“Chúng tôi dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,6 - 6,8/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm” – Chuyên gia của VNDIRECT Research dự báo thêm./.

Cần đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Gói cấp bù lãi suất 2% nằm trong gói kích thích kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ. Quy mô hỗ trợ lên đến 40.000 tỷ đồng, dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Có khoảng 10 nhóm ngành chính sẽ được hỗ trợ, bao gồm hàng không; du lịch; vận tải và kho bãi; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; chế biến chế tạo. Theo NHNN, ước tính đến hết tháng 8, gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng, tương đương chưa đến 0,1% kế hoạch giải ngân trong năm 2022. Việc triển khai gói cấp bù lãi suất 2% đang rất chậm so với kế hoạch của Chính phủ.

Đánh giá về điều này, các chuyên gia của VNDIRECT Research cho rằng, cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay. Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2% có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20 - 40 điểm cơ bản và bù đắp phần nào việc tăng lãi suất do sức ép từ việc tăng lãi suất huy động. VNDIRECT Research dự báo lãi suất cho vay có thể ổn định ở vùng thấp trong những tháng cuối năm 2022 trước khi áp lực lãi suất huy động kéo mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 60 - 80 điểm cơ bản (bình quân) trong năm 2023.

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam