Tổng cục Dự trữ Nhà nước:

Khẩn trương xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh đầu năm học mới

15:19 | 24/09/2022 Print
(TBTCO) - Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các cục dự trữ nhà nước khu vực thực hiện xuất hơn 37.555 tấn gạo để hỗ trợ gần 530.000 học sinh của 42 tỉnh, thành phố trong học kỳ 1 năm học 2022-2023. Việc xuất cấp gạo cho các địa phương bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đủ số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, thời gian, kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh.

Xuất hơn 37.555 tấn gạo hỗ trợ học sinh

Chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) cho học sinh theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 trong thời gian qua đã được các địa phương ghi nhận, đánh giá là một trong những chính sách mang lại hiệu quả thiết thực đối với các em học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường, các em học sinh và các thầy cô giáo yên tâm giảng dạy, học tập đặc biệt là trong thời điểm đầu năm học mới.

Để triển khai thực hiện xuất cấp gạo hỗ trợ cho các em học sinh trước thềm năm học mới 2022 - 2023, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 1845/QĐ-BTC ngày 9/9/2022 giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) xuất gạo DTQG hỗ trợ cho học sinh học kỳ I năm học 2022 - 2023.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục DTNN ban hành Quyết định số 571/QĐ-TCDT giao nhiệm vụ cho các cục DTNN khu vực thực hiện xuất hơn 37.555 tấn gạo để hỗ trợ gần 530.000 học sinh của 42 tỉnh, thành phố trong học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Thời hạn hoàn thành giao nhận gạo đến ngày 31/12/2022.

Cấp phát gạo cho học sinh tại Trường THPT Yên Ninh (Phú Lương), tỉnh Bắc Cạn. Ảnh: Trần Nguyên
Cấp phát gạo cho học sinh tại Trường THPT Yên Ninh (Phú Lương), tỉnh Bắc Cạn. Ảnh: Trần Nguyên

Để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp gạo cho học sinh các địa phương, Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho các cục DTNN khu vực thực hiện việc xuất cấp gạo cho các địa phương bảo đảm nguyên tắc: kịp thời, đủ số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, thời gian, kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ gạo học kỳ I, trường hợp số lượng gạo địa phương phân bổ, tiếp nhận thấp hơn so với quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN thì cấp theo số gạo tiếp nhận thực tế của địa phương; trường hợp, số lượng gạo địa phương phân bổ, tiếp nhận cao hơn so với quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN thì cấp theo số Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã quyết định. Đồng thời, đề nghị các địa phương có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN để quyết định xuất cấp bổ sung, bảo đảm phù hợp với thời gian học kỳ I của năm học.

Tổng cục DTNN cũng chỉ đạo cục trưởng cục DTNN khu vực có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc vận chuyển số gạo đã được giao xuất cấp nêu trên cho địa phương kịp thời, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và thời gian quy định.

Kịp thời động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Theo Tổng cục DTNN, trong nhiều năm qua, đơn vị luôn quan tâm đến công tác xuất cấp hỗ trợ cho học sinh đầu năm học mới. Đây là nhiệm vụ thường xuyên nên được Tổng cục DTNN chuẩn bị rất chu đáo. Ngay sau mỗi năm học, Tổng cục DTNN phối hợp với chính quyền địa phương rà soát từng khâu trong công tác xuất cấp để rút kinh nghiệm; đồng thời sớm trình Bộ Tài chính kế hoạch cấp phát hỗ trợ gạo của năm học tới. Trong quá trình thực hiện xuất cấp, Tổng cục DTNN thường xuyên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo tại các địa phương.

Bên cạnh đó, cán bộ công chức Tổng cục DTNN luôn chủ động, sáng tạo vượt khó để thực hiện nhiệm vụ xuất cấp gạo kịp thời cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Với sự chỉ đạo của Tổng cục DTNN, các cục DTNN khu vực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này đã luôn chủ động nguồn gạo DTQG tại chỗ; tích cực và khẩn trương chuẩn bị phương tiện vận tải cũng như bố trí việc bốc xếp trong quá trình giao nhận gạo tại kho và tại các điểm giao gạo.

Việc vận chuyển, giao nhận gạo hỗ trợ cho học sinh chủ yếu thuộc các huyện nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi (Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), khoảng cách các huyện xa, hệ thống giao thông không thuận lợi, nhiều nơi phải sang tải để vận chuyển, do vậy công tác vận chuyển, giao nhận gạo gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện mùa mưa, lũ. Nhưng các cán bộ ngành dự trữ đã nỗ lực và luôn hoàn thành nhiệm vụ, xuất cấp gạo đảm bảo chất lượng, số lượng, đúng thời hạn.

Xuất cấp gạo đảm bảo chất lượng, số lượng

Để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp gạo cho học sinh các địa phương, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các cục dự trữ nhà nước khu vực thực hiện việc xuất cấp gạo cho các địa phương bảo đảm nguyên tắc: kịp thời, đủ số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, thời gian, kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh. Cục trưởng cục dự trữ nhà nước khu vực có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc vận chuyển số gạo đã được giao xuất cấp cho địa phương.

Tổng cục DTNN cho biết, trong năm học 2021 - 2022, Tổng cục DTNN đã hoàn hành xuất cấp hơn 65.062 tấn gạo DTQG hỗ trợ cho 527.738 học sinh của 43 tỉnh, thành phố. Ngay sau khi kết thúc năm học 2021 - 2022 Tổng cục DTNN đã trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ xuất cấp gạo cho học sinh năm học này và kế hoạch triển khai xuất cấp năm học 2022 - 2023.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Tài chính, công tác xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2022 - 2023 được Tổng cục DTNN gấp rút triển khai. Việc thực hiện xuất cấp kịp thời gạo dự trữ quốc gia cho học sinh đã góp phần động viên, khuyến khích học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đến trường và vươn lên trong học tập, làm tăng tỷ lệ học sinh đến trường, giảm số lượng học sinh bỏ học. Đồng thời cũng đã gián tiếp giải quyết được phần nào khó khăn cho một số địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư và phát triển kinh tế tại một số vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Thanh Thủy

© Thời báo Tài chính Việt Nam