Thị trường chứng khoán: Dòng tiền sẽ trở lại khi tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ qua đi?

15:51 | 23/09/2022 Print
(TBTCO) - Thị trường chứng khoán những phiên gần đây đang cho thấy dấu hiệu suy giảm về thanh khoản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thanh khoản giảm là có thể lý giải được trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng về chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là FED. Trong thời gian tới, dòng tiền sẽ quay lại sau khi tin xấu qua đi và để đón chờ cho mùa vụ “Đông - Xuân khoán” sắp tới.

Thanh khoản giảm vì tâm lý chờ đợi

Thị trường chứng khoán trong nước từ đầu tháng 9 đến nay có diễn biến khá trùng khớp với chứng khoán quốc tế theo chiều hướng giảm. Thị trường chịu nhiều biến động khi đi vào vùng trũng thông tin kết hợp với động thái tăng lãi suất cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Mặc dù, thông tin chính thức về việc tăng lãi suất đồng USD lên 0,75% đã được FED chính thức công bố vào rạng sáng ngày 22/9 (theo giờ Việt Nam) nhưng trước đó là yếu tố chính khiến tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền chuyển sang trạng thái thận trọng rất rõ rệt.

Tâm lý thận trọng khiến nhà đầu tư đẩy mạnh động thái chốt lời, từ đó làm chỉ số VN-Index giảm khá mạnh từ đầu tháng tới nay. Tính từ đầu tháng 9, chỉ số VN-Index giảm -62,65 điểm, dừng lại ở mức 1.214,7 điểm (ngày 22/9), thậm chí đã có 2 lần chỉ số “test” ngưỡng 1.200 điểm.

Giá trị giao dịch sàn HOSE từ đầu tháng 9 tới nay. Đồ họa: Duy Thái
Giá trị giao dịch sàn HOSE từ đầu tháng 9 tới nay. Đồ họa: Duy Thái

Tuy nhiên, điểm mà nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn đó là, thanh khoản có dấu hiệu suy giảm vì tâm lý thận trọng bao trùm. Qua thống kê cho thấy, từ 5 đến 22/9, mặc dù thanh khoản cho chiều hướng suy giảm nhưng giá trị giao dịch sàn HOSE vẫn đạt khoảng hơn 13.600 tỷ đồng/phiên. Ngoại trừ các phiên biên động mạnh, thanh khoản đang có dấu hiệu tiết cung vì tâm lý cả người mua và người bán thận trọng. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 21/9, thanh khoản sàn HOSE giảm về mức 9.774 tỷ đồng/phiên – đây là mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, kể từ 11/2020.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), lý giải thanh khoản giảm gần đây là do tâm lý chờ đợi các sự kiện có ảnh hưởng lớn tới diễn biến thị trường như: phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh; 2 quỹ ETF ngoại là VNM ETF và FTSE ETF tái cơ cấu lại danh mục quý III/2022; đặc biệt là chờ đợi quyết định tăng lãi suất của FED kỳ họp tháng 9 và định hướng lãi suất trong thời gian tới. “Các sự kiện này sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường nên tâm lý nhà đầu tư là thận trọng chờ đợi, khiến thanh khoản chung giảm” – ông Ngọc nói.

Thanh khoản sẽ hồi lại?

Thị trường chứng khoán vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn và vì thế việc thanh khoản giảm khiến không ít nhà đầu tư càng trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thanh khoản giảm phần nhiều là do dòng tiền thận trọng và sự thận trọng đó cũng không khó lý giải. Một điểm cũng cần lưu ý đó là mặt bằng giá không thay đổi quá nhiều và điều đó có nghĩa là cung - cầu vẫn khá cân bằng.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hồi phục khi dư âm về tăng lãi suất của FED qua đi và các thông tin vĩ mô tích cực trong nước sẽ bồi đắp cho tâm lý nhà đầu tư. Cuối tháng 9 đầu tháng 10, các thông tin về kinh tế vĩ mô trong nước sẽ được công bố theo chiều hướng tích cực hỗ trợ thị trường. Các chỉ tiêu vĩ mô dự báo sẽ có mức tăng ấn tượng dựa vào đà hồi phục tính từ đầu năm và đặc biệt là trong tương quan với nền so sánh rất thấp cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, mùa công bố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và thông lệ “Đông – Xuân khoán” sắp đến cũng sẽ kích thích dòng tiền tham gia.

Có thể áp lực tăng lãi suất đến từ FED sẽ dịu hơn về cuối năm

Trên thực tế, một số ý kiến cho rằng, việc thanh khoản giảm phần nhiều là do dòng tiền thận trọng và sự thận trọng đó cũng không khó lý giải. Bởi không chỉ thị trường trong nước, diễn biến chung của chứng khoán toàn cầu là chờ đợi thông tin từ FED. Ngoài con số mà FED đưa ra, nhà đầu tư còn quan tâm đến đường đi của lãi suất, các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg dự báo ít “căng” hơn dự báo của thị trường. Thậm chí các chuyên gia cho rằng, sau lần tăng lãi suất tháng 9, các lần tăng đến cuối năm sẽ giảm dần, là tín hiệu hỗ trợ cho thị trường.

Ông Đỗ Bảo Ngọc thì cho rằng, về cơ bản, sau các sự kiện đã diễn ra trong tháng 9, thanh khoản sẽ cải thiện hơn. Tuy nhiên, nhìn trung hạn thì thanh khoản thị trường chứng khoán trong nước từ nay tới cuối năm vẫn sẽ khá hạn chế vì chính sách tiền tệ chung là thắt chặt thông qua kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước. “Tôi nghĩ rằng, xu hướng sẽ tăng trở lại theo các nhịp hồi phục ngắn hạn của thị trường, còn tổng thanh khoản chung sẽ khó có đột biến hoặc tạo ra sự bùng nổ như giai đoạn Covid-19 trước đây” – ông Ngọc cho hay.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, bên cạnh các yếu tố kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán vĩ mô hiện vẫn có các yếu tố nội tại, cũng như lợi thế so sánh với các kênh đầu tư khác khá tích cực. Nếu loại trừ kênh tín dụng, thì kênh bất động sản hay vàng sẽ khó cạnh tranh với chứng khoán trong trung hạn. Đặc biệt hơn, qua các đợt điều chỉnh, hiện tại tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) đã về mức thấp và tiền của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đang ở mức cao. Điều này có nghĩa là dòng tiền vẫn sẵn sàng và chực chờ cơ hội tốt để đầu tư, giải ngân trở lại.

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam