Sức ép hai chiều lên thị trường tiền tệ

Bài 3: Những giải pháp hài hòa nhiều phía

15:17 | 24/09/2022 Print
(TBTCO) - Trong bối cảnh nhiệm vụ đặt ra vẫn phải giảm lãi suất, mặt khác áp lực lãi suất tiếp tục gia tăng từ thị trường bên ngoài, yêu cầu đối với chính sách tiền tệ cần phải thực thi các giải pháp đồng bộ. Theo các chuyên gia, ngoài công cụ lãi suất, ngành Ngân hàng cũng có thể sử dụng nhiều công cụ khác để vẫn đảm bảo kiểm soát cung tiền hợp lý, nhưng không làm lãi suất đẩy lên cao để tạo điều kiện hỗ trợ vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bài 2: Nhiệm vụ vẫn phải giữ mặt bằng lãi suất thấp

Ý nghĩa của gói hỗ trợ 2% lãi suất

Trong bối cảnh lãi suất đang chịu áp lực gia tăng và có thể là gia tăng chi phí tài chính của các doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng thì gói hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (hỗ trợ tối đa 40 nghìn tỷ đồng) vẫn có nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ, những doanh nghiệp/đối tượng đủ điều kiện được vay với lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất bình quân thị trường, đồng nghĩa với việc chi phí tài chính đối với khoản vay đã giảm bớt được 2% so với các đối tượng khác.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP (về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh), NHNN đã ban hành Thông tư 3/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất, theo Nghị định 31.

Để thông tin rộng rãi về chính sách hỗ trợ lãi suất, ngay sau khi ban hành Nghị định 31 và Thông tư 03, NHNN đã tổ chức hội nghị toàn ngành và phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc. Theo đó, các cơ quan đã phổ biến và giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách để thống nhất cách hiểu, đảm bảo chính sách được triển khai một cách đồng bộ, đồng thuận trong toàn quốc.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Thế Dương

Qua thời gian triển khai, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc khá nhanh chóng, trong đó nhiều ngân hàng ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch. Các ngân hàng cũng đã rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. Một số ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương để truyền tải về chương trình hỗ trợ lãi suất tới các đối tượng thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, một phần do độ trễ của chính sách, kết quả bước đầu triển khai còn chậm, hiện NHNN và các ngân hàng đang bàn thảo, tháo gỡ các khó khăn, nhiều ý kiến cũng đã được đề xuất với các bộ ngành liên quan để giải quyết những khúc mắc.

Vừa qua, sau một cuộc họp với các ngân hàng về việc giải quyết khó khăn trong triển khai Nghị định 31, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các vướng mắc liên quan đến chính sách được nhận diện, giải đáp và có giải pháp xử lý phù hợp nhằm tạo được tâm lý đồng thuận để thúc đẩy triển khai chính sách trong cả nước một cách hiệu quả, kịp thời. Điều này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng theo các nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ.

Và các giải pháp toàn diện khác

Gói hỗ trợ 2% lãi suất dù đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhưng vẫn đang được coi là một trong những giải pháp được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, giảm bớt phần nào gánh nặng lãi suất; cũng là một phần chi phí vốn cho doanh nghiệp và người dân khi các khó khăn vướng mắc được xử lý bằng các giải pháp hợp lý và khơi thông. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc thực thi chính sách tiền tệ cũng vẫn còn tiếp tục cần được khai thác đồng thời với các giải pháp đồng bộ khác.

Có thể tính phương án tăng lãi suất điều hành, nhưng ổn định lãi suất cho vay

Tại phiên họp Chính phủ ngày 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên. Tích cực hơn nữa, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2%; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực. Thủ tướng cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch. Mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20-21/9 và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.

Một trong những giải pháp ngành Ngân hàng đang thực hiện là việc điều tiết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) ở mức độ hợp lý, phù hợp với bối cảnh chung thị trường và đây cũng là cách để điều tiết lãi suất ở mức độ hài hòa, hợp lý. Trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2022, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc điều tiết nền kinh tế, trong đó có thị trường tiền tệ, ngoài các chính sách tiền tệ thông thường, cũng vẫn phải có sự hỗ trợ cả từ chính sách tài khóa bởi lãi suất thường diễn biến theo các yếu tố vĩ mô khác, đặc biệt là lạm phát. Bối cảnh Việt Nam và thế giới thời gian qua, nguyên nhân lạm phát phần nhiều là do chi phí đẩy. Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Đức Khang - Trưởng phòng Phân tích thuộc Công ty chứng khoán Pinetree cho biết, chúng ta vẫn có thể kỳ vọng vào một bức tranh vĩ mô tích cực, khi các yếu tố cơ bản của vĩ mô Việt Nam hiện tại vẫn đang tốt, các chính sách tài khóa mở rộng có thể sẽ là động lực để hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam