Chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn, dù tăng lãi suất có tạo áp lực

16:42 | 24/09/2022 Print
(TBTCO) - Về lý thuyết, lãi suất tăng sẽ tạo áp lực lên thị trường tài sản, trong đó có chứng khoán. Tuy nhiên, chứng khoán vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nên không tác động quá lớn tới triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp; đồng thời, định giá của chứng khoán Việt đã ở mức rẻ.
Chứng khoán hôm nay (23/9): Tin tăng lãi suất “ngáng chân” đà hồi phục của VN-Index
Tăng lãi suất điều hành sẽ tác động tới lãi suất tiền gửi thế nào?

Xung quanh vấn đề tác động của tăng lãi suất tới thị trường chứng khoán, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán MB (MBS).

Chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn, dù tăng lãi suất có tạo áp lực
Ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán MB (MBS).

TĂNG TRƯỞNG GDP 2022 DỰ KIẾN VẪN TRÊN 7%

*PV: Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chính thức tăng 1% đối với một số khoản lãi suất điều hành. Ông đánh giá thế nào về quyết định này của NHNN?

Ông Hoàng Công Tuấn: Chúng tôi đánh giá đây là một quyết định điều hành hợp lý và kịp thời của NHNN trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu đang có những biến chuyển mới có tiềm năng tác động đáng kể đến nền tảng ổn định của kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định do đó, các yếu tố bất lợi không tác động quá lớn đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Đồng thời, mức giá định giá của cổ phiếu trên thị trường đã ở mức rẻ với mức P/E VN-Index là 13 lần, thấp hơn đáng kể mức trung bình dài hạn từ 2015 tới nay là 15 lần.

Với động thái tăng mạnh lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ trong kỳ họp tháng 9 với mức tăng lãi suất 0,75% lên mức 3,25% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên mức 4,6% vào đầu năm 2023, USD-Index đã tăng vọt lên mức 111,48 điểm gây sức ép giảm giá lên VND.

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát mặc dù giảm trong tháng 8/2022, song vẫn duy trì ở mức tăng 3,6% so với đầu năm và tăng 2,89% so với cùng kỳ, khá gần so với mục tiêu của NHNN trong bối cảnh áp lực tăng giá thường vào thời điểm cuối năm.

Do đó, để bảo vệ sự bình ổn của tỷ giá VND/USD và kiềm chế lạm phát trong tầm kiểm soát, qua đó đảm bảo sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô, động thái tăng lãi suất của NHNN là kịp thời và có thể coi là một động thái phòng ngừa trước những biến động khó lường của môi trường vĩ mô toàn cầu.

Thêm vào đó, tăng trưởng GDP dự kiến của Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức cao trên 7% do các động lực tiêu dùng nội địa còn mạnh; đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực FDI vẫn khả quan. Do đó, yêu cầu duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng GDP tại thời điểm này là không quá bức thiết.

*PV: Việc tăng lãi suất điều hành trong bối cảnh vĩ mô hiện nay sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam từ nay tới cuối năm, thưa ông?

Ông Hoàng Công Tuấn: Chúng tôi đánh giá, việc tăng lãi suất điều hành của NHNN sẽ tác động làm gia tăng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong nền kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không nhiều do thực tế từ đầu năm đến nay, NHNN đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng bằng việc rút bớt VND ra khỏi hệ thống và hạn chế tăng trưởng tín dụng bằng cách áp chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Do đó, mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế thực tế đã tăng với mức tăng 0,3% - 1,3% tùy kỳ hạn và tùy từng ngân hàng thương mại.

Hiện tại, xung lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất mạnh do động lực phục hồi sau khi nền kinh tế được mở cửa hoàn toàn sau dịch Covid-19. Do đó, một mức tăng lãi suất nhẹ so với hiện nay sẽ không thể đảo ngược được xu hướng này.

Trong các quý cuối năm 2022, GDP dự kiến sẽ tăng trưởng khả quan, đặc biệt là GDP quý III sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ do so sánh với nền thấp của quý III/2021. Dự kiến mức tăng GDP cả năm 2022 lên mức trên 7%.

Chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn, dù tăng lãi suất có tạo áp lực
Việc tăng lãi suất sẽ không tác động quá nhiều tới sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Minh họa.

CHỨNG KHOÁN VẪN LÀ KÊNH ĐẦU TƯ HẤP DẪN

*PV: Còn với thị trường chứng khoán, theo ông thì việc tăng lãi suất điều hành sẽ tác động thế nào khi dòng tiền rất có thể sẽ bị "chia lửa" sang kênh gửi tiết kiệm?

"Động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN có thể dẫn tới tăng lãi suất cho vay và chi phí vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới, tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh, mức tăng sẽ không quá cao so với mặt bằng lãi suất hiện nay. Do đó, động thái gần đây của NHNN sẽ không tác động quá nhiều đến mức lợi nhuận chung của các doanh nghiệp niêm yết" - ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng MBS nhấn mạnh.

Ông Hoàng Công Tuấn: Việc tăng lãi suất của NHNN sẽ tạo áp lực lên các thị trường tài sản, trong đó có thị trường chứng khoán. Về mặt lý thuyết khi mặt bằng lãi suất gia tăng lợi suất yêu cầu cho các khoản đầu tư sẽ phải tăng, qua đó làm giảm mặt bằng định giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng cũng làm gia tăng độ hấp dẫn của kênh huy động này và khiến dòng dân cư chuyển dịch một phần vào kênh này.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá kênh đầu tư chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại nhờ hai yếu tố chính:

Tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III và cả năm 2022 rất khả quan sẽ phản ánh vào mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong 2 quý cuối năm. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định do đó các yếu tố bất lợi không tác động quá lớn đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Mức giá định giá của cổ phiếu trên thị trường đã ở mức rẻ với mức P/E VN-Index là 13 lần, thấp hơn đáng kể mức trung bình dài hạn từ 2015 tới nay là 15 lần.

*PV: Đối với các nhóm ngành trên thị trường, việc tăng lãi suất điều hành có thể dẫn tới việc tăng lãi suất cho vay, tăng chi phí vốn cho doanh nghiệp. Theo ông, điều này sẽ tác động cụ thể tới cổ phiếu các nhóm ngành như thế nào? Ngành nào hưởng lợi, ngành nào chịu ảnh hưởng?

Ông Hoàng Công Tuấn: Động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN có thể dẫn tới tăng lãi suất cho vay và chi phí vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới, tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh, mức tăng sẽ không quá cao so với mặt bằng lãi suất hiện nay. Do đó, động thái gần đây của NHNN sẽ không tác động quá nhiều đến mức lợi nhuận chung của các doanh nghiệp niêm yết.

Các doanh nghiệp chịu tác động trong thời gian tới là các doanh nghiệp có mức đòn bẩy cao hoặc có nhu cầu huy động vốn lớn trong thời gian tới để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi đánh giá các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản có nhu cầu huy động vốn lớn cho các dự án mới sẽ chịu ảnh hưởng khi vốn có chi phí cao hơn và khả năng huy động giảm đi. Các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ có khả năng phải cạnh tranh huy động và do đó, làm tăng chi phí huy động cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Về phần các doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng tăng lãi suất hiện nay, chúng tôi đánh giá các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có khả năng gia tăng lợi nhuận trong năm sau với mặt bằng lợi suất cao hơn của các tài sản đầu tư chính của họ như trái phiếu.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam