Sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật đối với máy phát điện dự trữ quốc gia:

Đáp ứng yêu cầu quản lý hàng dự trữ trong tình hình mới

08:28 | 26/09/2022 Print
(TBTCO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy phát điện dự trữ quốc gia (QCVN 02: 2022/BTC). Theo Bộ Tài chính, việc ban hành QCVN 02: 2022/BTC quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy phát điện dự trữ quốc gia để áp dụng tạo thuận lợi trong quản lý, phù hợp với thực tiễn triển khai kế hoạch dự trữ quốc gia, công tác nhập kho, bảo quản, xuất kho đối với máy phát điện dự trữ quốc gia.

Sửa đổi phù hợp với thực tiễn

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 94/2017/TT-BTC (ngày 21/9/2017) ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy phát điện dự trữ quốc gia (DTQG) - QCVN 02:2017/BTC. Quy chuẩn này đã đáp ứng được yêu cầu quản lý hàng DTQG trong việc nhập, bảo quản và xuất hàng DTQG thời gian qua. Tuy nhiên, quy chuẩn cũng bộc lộ những hạn chế nhất định cần sửa đổi để phù hợp với tình hình mới.

Đơn cử về hạn chế cấu tạo máy phát điện, tại QCVN 02: 2017/BTC quy định máy phát điện DTQG là máy phát điện đồng bộ 3 pha và quy định cụ thể yêu cầu kỹ thuật đối với 3 bộ phận gồm động cơ, đầu phát và bộ điều khiển.

Cán bộ dự trữ nhà nước thực hiện quy trình bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Cán bộ dự trữ nhà nước thực hiện quy trình bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Thực tiễn đấu thầu mua máy phát điện nhập kho DTQG cho thấy, máy phát điện là sản phẩm hoàn thiện gồm 6 bộ phận chính gồm: động cơ, đầu phát, bộ điều khiển máy phát điện, khung bệ máy, thùng chứa nhiên liệu và vỏ chống ồn. Do vậy, cần thiết quy định máy phát điện gồm 6 bộ phận để phù hợp với tình hình thực tiễn...

Để khắc phục những hạn chế tại những quy định hiện hành, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy phát điện DTQG QCVN 02: 2022/BTC.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành QCVN 02: 2022/BTC quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy phát điện DTQG để áp dụng tạo thuận lợi trong quản lý, phù hợp với thực tiễn triển khai kế hoạch DTQG, công tác nhập kho, bảo quản, xuất kho đối với máy phát điện DTQG. Quy chuẩn là căn cứ để chỉ đạo thống nhất trong toàn ngành Dự trữ Nhà nước về các yêu cầu kỹ thuật, quy trình bảo quản và công tác quản lý đối với máy phát điện DTQG.

Nhiều điểm mới được bổ sung, sửa đổi

Theo dự thảo Thông tư, QCVN 02: 2022/BTC áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị DTQG, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động mua, bán, giao nhận (nhập, xuất), bảo quản và quản lý máy phát điện DTQG.

Máy phát điện phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của bộ quản lý chuyên ngành; trong đó đáp ứng các yêu cầu: công suất danh định (công suất chính kế Prime power - PRP): không nhỏ hơn 24 kW; hệ số công suất: 0,8; tần số: 50 ± 0,2 Hz; chế độ vận hành: chế độ vận hành liên tục với tải thay đổi; điện áp: 220/380 (V) ± 05%; tổng độ biến dạng sóng hài điện áp: không lớn hơn 8%; giới hạn độ tăng nhiệt độ cuộn dây: không lớn hơn 125oC; máy phát điện hiển thị được các thông số như: điện áp, dòng điện, tần số, áp lực dầu bôi trơn, tốc độ vòng quay, nhiệt độ nước làm mát...

Máy phát điện DTQG là máy phát điện xoay chiều 3 pha dẫn động bởi động cơ đốt trong kiểu pit tông, gồm 6 bộ phận (động cơ, đầu phát, bộ điều khiển máy phát điện, khung bệ máy, thùng chứa nhiên liệu và vỏ chống ồn) đồng bộ kỹ thuật, có yêu cầu kỹ thuật theo các quy định của quy chuẩn này và các quy định hiện hành khác để cung cấp nguồn điện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Máy phát điện trước khi nhập kho DTQG phải được kiểm tra chứng nhận chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật. Các đơn vị DTQG lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước khi nhập kho theo các nội dung kiểm tra ngoại quan và kiểm tra vận hành.

Về kiểm tra ngoại quan, lấy mẫu kiểm tra toàn bộ số lượng máy phát điện nhập kho. Nội dung kiểm tra bao gồm: kiểm đếm đủ số lượng máy; xác định ký hiệu, mã hiệu máy phát điện phù hợp với các hồ sơ liên quan, kiểm tra tính đồng bộ của máy phát điện và các chi tiết máy, tình trạng bên ngoài của máy phát điện không bị méo bẹp, gãy vỡ, rạn nứt hoặc han rỉ. Nếu máy phát điện lấy mẫu kiểm tra có một chỉ tiêu không đảm bảo chất lượng thì tiến hành tách riêng và yêu cầu đơn vị cung cấp khắc phục hoặc thay thế đảm bảo chất lượng.

Đơn vị cung cấp phải khắc phục nếu máy không đáp ứng các yêu cầu

Dự thảo thông tư quy định, trong quá trình kiểm tra vận hành máy phát điện, nếu bất kỳ một máy phát điện nào có chỉ tiêu không đáp ứng yêu cầu phải tách riêng máy phát điện đó ra, đơn vị cung cấp phải khắc phục hoặc thay thế đảm bảo chất lượng...Các tổ chức, cá nhân cung cấp máy phát điện có trách nhiệm cung cấp sản phẩm có chất lượng phù hợp với quy định.

Về kiểm tra vận hành gồm: lấy mẫu kiểm tra, kiểm tra vận hành nổ máy toàn bộ số lượng máy phát điện nhập kho. Máy phát điện phải đảm bảo động cơ đốt trong hoạt động tốt, không có tiếng va đập lạ; máy phát điện đạt công suất danh định tại tốc độ quay danh định tương ứng với điện áp của máy phát điện đạt từ 95% - 105% điện áp danh định; các đồng hồ chỉ báo trên bảng điều khiển hiển thị số liệu phù hợp với tình trạng vận hành.

Trong quá trình kiểm tra vận hành máy phát điện, nếu bất kỳ một máy phát điện nào có chỉ tiêu không đáp ứng yêu cầu phải tách riêng máy phát điện đó ra, đơn vị cung cấp phải khắc phục hoặc thay thế đảm bảo chất lượng...

Các tổ chức, cá nhân cung cấp máy phát điện có trách nhiệm cung cấp sản phẩm có chất lượng phù hợp với quy định. Thủ trưởng đơn vị DTQG có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác giao nhận và bảo quản máy phát điện theo đúng quy định của Quy chuẩn này.

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy phát điện DTQG thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ; và Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25/12/2019, Thông tư số 182/2013/TT-BTC ngày 4/12/2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật hàng DTQG.

Bích Nguyệt

© Thời báo Tài chính Việt Nam