Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã:

Kênh tín dụng chính sách tiếp sức cho kinh tế tập thể

13:57 | 26/09/2022 Print
(TBTCO) - Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam là kênh tín dụng chính sách của nhà nước hỗ trợ tích cực cho hợp tác xã, tổ hợp tác và thành viên vay vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Quỹ hoạt động hiệu quả, bảo toàn vốn

Theo số liệu mới nhất từ Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam về hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương (quỹ địa phương) và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam (quỹ trung ương), tính đến 30/6/2022, cả nước có 51 quỹ địa phương được thành lập và hoạt động từ năm 2004 đến nay, trực thuộc Liên minh HTX cấp tỉnh. Trong đó, 47 quỹ địa phương do Liên minh HTX cấp tỉnh trực tiếp quản lý, 4 quỹ địa phương được uỷ thác cho tổ chức tài chính - tín dụng khác quản lý.

Tổng vốn điều lệ 51 quỹ này là 990 tỷ đồng; tổng vốn hoạt động 2.262 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 11,2%/năm. Doanh số cho vay 19.870 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến 30/6/2022 là 1.561 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 9,5%/năm. Các quỹ đã cho vay 11.059 lượt hợp tác xã, 2.200 tổ hợp tác, 750.000 lượt thành viên hợp tác xã, trong đó khu vực nông nghiệp và nông thôn chiếm 68%, phi nông nghiệp chiếm 32%.

47 quỹ địa phương do Liên minh HTX cấp tỉnh trực tiếp quản lý có chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%, tự trang trải chi phí hoạt động và bảo toàn vốn điều lệ, còn 4 quỹ địa phương ủy thác cho các tổ chức tài chính - tín dụng khác cho vay, hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn cao, các hợp tác xã khó tiếp cận tín dụng.

Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa thiên Huế. Ảnh: Lê Huy
Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa thiên Huế. Ảnh: Lê Huy

Quỹ trung ương có tổng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng; doanh số cho vay 894 tỷ đồng, dư nợ 422 tỷ đồng, cho vay 296 dự án của hợp tác xã tại 45 tỉnh, thành phố; cho vay khu vực nông nghiệp và nông thôn chiếm 86,8%, khu vực phi nông nghiệp chiếm 13,2%; chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ quá hạn 3%, tự trang trải chi phí hoạt động và bảo toàn được vốn điều lệ.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, việc thành lập và hoạt động của các quỹ địa phương và quỹ trung ương theo quy định của Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012 là một kênh tín dụng chính sách của nhà nước hỗ trợ tích cực cho HTX, tổ hợp tác và thành viên vay vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, tăng số lượng và chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên. “Hầu hết các HTX vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm và có lãi; tăng cường sự liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các thành viên của HTX. Quỹ trung ương và quỹ địa phương hoạt động hiệu quả, bảo toàn vốn” - ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Ông Bảo đơn cử, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Tĩnh thuộc Liên minh HTX Hà Tĩnh được thành lập từ năm 2009. Đến nay, quỹ đã xem xét, thẩm định cho 249 dự án vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 84,8 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 64,5 tỷ đồng, dư nợ cho vay 20,3 tỷ đồng. Nhìn chung, đa số dự án của HTX vay tại quỹ đảm bảo theo đúng quy định, sử dụng đúng mục đích, sản xuất kinh doanh hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn.

Tạo thuận lợi cho quỹ hoạt động, bảo đảm thống nhất một cơ chế

Theo Liên minh HTX Việt Nam, từ sau khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (NĐ 45) được ban hành và có hiệu lực thi hành, các quỹ địa phương đang chuyển đổi cơ chế hoạt động theo nghị định này. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam thành lập theo quy định của Luật HTX năm 2003 và hoạt động từ năm 2007, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ này cũng đang chuyển đổi cơ chế hoạt động theo quy định của Nghị định 45.

Tuy nhiên, để các quỹ tiếp tục phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững và là kênh tín dụng chính sách của nhà nước hỗ trợ tích cực cho HTX, tổ hợp tác, ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị Luật HTX năm 2012 (sửa đổi) quy định về quỹ địa phương và quỹ trung ương phải phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; các ban, ngành cần xem xét quy định vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam do Liên minh HTX Việt Nam quản lý.

Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận

Cơ chế hoạt động của quỹ địa phương và quỹ trung ương theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển HTX như sau: Đối với quỹ địa phương, UBND cấp tỉnh cấp vốn điều lệ tối thiểu 20 tỷ đồng, ban hành điều lệ. Đối với quỹ trung ương, vốn điều lệ đã được cấp đủ 1.000 tỷ đồng. Liên minh HTX Việt Nam ban hành điều lệ và xây dựng cơ chế hoạt động. Quỹ địa phương và quỹ trung ương là quỹ tài chính nhà nước ngoài danh sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng cho vay HTX, liên hiệp HTX, thành viên của tổ hợp tác và hợp tác xã. Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX cấp tỉnh thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả và xếp loại quỹ trung ương và quỹ địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành quy định cho phép quỹ địa phương và quỹ trung ương được áp dụng cơ chế cho vay không đảm bảo bằng tài sản đối với HTX nông nghiệp và thành viên theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, ban hành quy định tạo điều kiện cho các quỹ địa phương và quỹ trung ương huy động vốn ngoài ngân sách từ chương trình, dự án, nguồn tài trợ, viện trợ trong và ngoài nước…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, các bộ, ngành và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho quỹ hoạt động, nhưng phải bảo đảm thống nhất một cơ chế, phù hợp với năng lực, trình độ của kinh tế hợp tác, HTX. Hiện nay, nguồn vốn của quỹ rất ít nên phải huy động các thành phần kinh tế khác và liên kết hệ thống từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, quỹ cần xác định những tiêu chí cụ thể, phương án sản xuất kinh doanh khả thi để các thành viên mới yên tâm khi góp vốn. Các ngành chức năng cũng cần hỗ trợ HTX trong vấn đề kiểm toán để hoạt động công khai, minh bạch, phát triển ổn định, bền vững...

Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã phải xác định mức độ tổn thất về tài sản

Ngày 12/8/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 52/2022/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX). Theo đó, khi bị tổn thất về tài sản, quỹ HTX phải xác định mức độ tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:

Thứ nhất, xác định rõ nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị) và nguyên nhân chủ quan.

Thứ hai, trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì cá nhân, tập thể gây ra tổn thất phải bồi thường, xử lý theo quy định của pháp luật. Quỹ HTX quy định cụ thể việc bồi thường và quyết định mức bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Trường hợp tài sản đã mua bảo hiểm theo pháp luật thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

Thứ ba, giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, tổ chức bảo hiểm, sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí, trường hợp thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của quỹ HTX. Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí trong kỳ của quỹ.

Thông tư 52/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.

Nguyên Phương

© Thời báo Tài chính Việt Nam