TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm địa phương giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước

15:44 | 26/09/2022 Print
(TBTCO) - Sáng 26/9, phát biểu tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân đạt 25% kế hoạch vốn. Với tỷ lệ trên, TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm địa phương giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước, tính đến thời điểm hiện tại.
TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm địa phương giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi phát biểu tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

Tính đến ngày 23/9/2022, TP. Hồ Chí Minh giải ngân được 10.877 tỷ đồng trên tổng số 37.997 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch vốn. Với tỷ lệ trên, TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm địa phương giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước, tính đến thời điểm hiện tại.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương chỉ giải ngân được 91 tỷ đồng, đạt 3,6%. Một số dự án lớn, như Tham Lương – Bến Cát, quốc lộ 50, An Phú với gần 1.700 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh cố gắng cuối năm sẽ hoàn thành giải ngân. Còn lại hai dự án vốn vay nước ngoài là dự án vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2 và dự án giao thông xanh, có khả năng không giải ngân hết vốn theo kế hoạch năm.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi lý giải, ban đầu Quốc hội và Thủ tướng giao cho TP. Hồ Chí Minh giải ngân đầu tư công là gần 52.000 tỷ đồng, sau đó giao bổ sung thêm, tổng vốn là hơn 54.000 tỷ đồng.

Theo ông Mãi, đến thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh cân đối lại nguồn thu và chỉ có thể đảm bảo cân đối chi đầu tư phát triển 42.508 tỷ đồng.

TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm địa phương giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước
Động thổ khởi công Dự án thành phần 1A, đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, cũng như nguyên nhân chung của cả nước, TP. Hồ Chí Minh còn có nhiều nguyên nhân liên quan đến năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư. Đối với các dự án chuyển tiếp, trước đây tách phần giải phóng mặt bằng với xây lắp, sau này nhập lại, điều chỉnh hồ sơ dự án, mất rất nhiều thời gian. Do vậy, các dự án điều chỉnh chưa xong thì các tháng đầu năm chưa giải ngân được.

Theo ông Phan Văn Mãi, để giải quyết các nhóm này, TP. Hồ Chí Minh thành lập các tổ công tác chuyên ngành, chuyên đề, rà soát từng dự án, từng chủ đầu tư, đến nay đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc. Trong đó, nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân rất nhanh, đến tháng 11 hoặc tháng 12 sẽ giải ngân đạt kế hoạch.

Cũng theo ông Mãi, hiện vấn đề giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó tại các dự án, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung vào cuộc rất quyết liệt. Vừa qua, điển hình có những dự án tồn tại cả chục năm đến nay cũng đã giải phóng mặt bằng xong và khởi động trở lại.

TP. Hồ Chí Minh đã thành lập tổ chuyên về giải phóng mặt bằng để tập trung cho các địa bàn có giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp. Dự kiến đến tháng 10, TP. Hồ Chí Minh có thể cơ bản tháo gỡ được vướng mắc về giải phóng mặt bằng để phục vụ triển khai các dự án.

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam