Coi giám sát là trọng tâm, “mũi nhọn” để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội

11:37 | 27/09/2022 Print
(TBTCO) - Thường trực HĐND TP. Hồ Chí Minh đề xuất phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát như là khâu trọng tâm, “mũi nhọn” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới, phải lựa chọn trúng vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề mà thực tiễn phát sinh khi triển khai các nghị quyết của Quốc hội.
Sửa đổi nội quy Kỳ họp: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Sáng 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 49 điểm cầu các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước.

Báo cáo giám sát còn dàn trải, chưa thực sự khách quan

Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội thống nhất cao đối với các nội dung triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và UBTVQH. Đoàn ĐBQH thành phố cũng thống nhất cao đối với những đánh giá tình hình thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, UBTVQH.

Có thể nói, năm 2022, trong bối cảnh tình hình cả nước thực hiện mục tiêu kép, Quốc hội, UBTVQH đã triển khai Chương trình giám sát năm 2022 với rất nhiều đổi mới. Các nội dung được lựa chọn giám sát đều là những vấn đề lớn, quan trọng, là điều kiện để các cấp chính quyền địa phương đánh giá một cách nghiêm túc tình hình tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, triển khai cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương.

Phó Bí thư Hà Nội
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cũng nêu những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cụ thể như, nội dung giám sát rộng, đối tượng chịu sự giám sát lớn, nên báo cáo giám sát còn dàn trải; có báo cáo của đơn vị bám sát đề cương, chưa thật sự đánh giá khách quan về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu theo yêu cầu của đoàn giám sát dẫn đến phải bổ sung nội dung báo cáo; vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật; công tác lập pháp, thẩm định, phê duyệt các quy định còn bất cập, thiếu đồng bộ, tiến độ thực hiện chậm.

Các đợt giám sát theo yêu cầu của Quốc hội và UBTVQH tập trung trong thời gian khá sát nhau nên không có nhiều thời gian để đoàn triển khai hoạt động giám sát trực tiếp chuyên đề riêng của đoàn ĐBQH mà chỉ tiến hành giám sát qua báo cáo…

Từ thực tiễn triển khai, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đã nêu một số kiến nghị, đề xuất. Trong đó, đề nghị UBTVQH tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 về quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội... UBTVQH chỉ đạo điều hòa các hoạt động giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đảm bảo hài hòa, thống nhất về thời gian đối với các cơ quan của thành phố Hà Nội.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát…

Kết quả giám sát cần có các tiêu chí, định lượng, trách nhiệm rõ ràng

Từ đầu cầu TP. Hồ Chí Minh (HCM), Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng trình bày tham luận cho biết trong năm 2022, Thường trực HĐND TP.HCM nhận thấy hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Hoạt động giám sát của UBTVQH tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, phù hợp với chương trình giám sát của Quốc hội nhất là về nội dung, phương thức giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới rõ rệt.

TP.HCM
Phó Chủ tịch HĐND Tp.HCM Nguyễn Văn Dũng trình bày tham luận
Nét mới trong công tác giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022 so với trước đây đó là trong các đơn vị được giám sát có Thường trực HĐND TP. Qua đó, Thường trực HĐND TP phải tự rà soát, đánh giá theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn TP và chuẩn bị báo cáo cụ thể cho từng chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH.

Tuy nhiên, Thường trực HĐND TP.HCM nhận thấy hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH cũng còn một số khó khăn, hạn chế nhất định.

Đó là hiệu quả công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhất là văn bản quy định chi tiết, thi hành luật. Một vài nội dung giám sát còn tình trạng dựa vào việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; hoạt động giám sát, khảo sát có thời điểm còn tập trung tại một số địa phương; có trường hợp cơ quan chịu sự giám sát chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo theo yêu cầu.

Cơ chế giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn hạn chế, mới bước đầu được thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả, trong một số trường hợp chưa chỉ ra được trách nhiệm cụ thể của chủ thể chịu sự giám sát. Thành phần Đoàn giám sát còn hình thức, nặng tính cơ cấu, thiếu thành phần có chuyên môn sâu, một số thành viên chưa tham dự đầy đủ hoạt động của Đoàn.

Để chương trình giám sát tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, Thường trực HĐND TP.HCM đề xuất phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát như là khâu trọng tâm, “mũi nhọn” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới; phải lựa chọn trúng vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề mà thực tiễn phát sinh khi triển khai các nghị quyết của Quốc hội.

Trong báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; xem xét có chế tài cụ thể trong trường hợp cơ quan chức năng chậm hoặc không giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do đại biểu Quốc hội chuyển đến; hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình giám sát để đại biểu Quốc hội tự mình thực hiện giám sát.

Ngoài những kinh nghiệm, cách làm mới sáng tạo đã phát huy trong thời gian qua, Thường trực HĐND TP.HCM đề xuất UBTVQH tạo điều kiện để Thường trực HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh được tham dự các buổi giám sát, làm việc của các đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH khi làm việc với các bộ, ngành trung ương để thực hiện trách nhiệm giải trình, làm rõ các nội dung còn khác nhau giữa báo cáo của các cơ quan; qua đó, phân tích đánh giá về nguyên nhân chủ quan, khách quan; công tác phối hợp; cơ chế, chính sách; quy định pháp luật chưa thống nhất, chồng chéo, … để thấy được trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam