Hạn chế chi phí đẩy tác động đến lạm phát: Giải pháp căn cơ là nâng cao năng lực của doanh nghiệp

20:36 | 28/09/2022 Print
(TBTCO) - Xu hướng tăng lãi suất trên thế giới là giải pháp chung của nhiều nước nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, việc này tiếp tục kéo dài có thể làm gia tăng chi phí tài chính, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế, thậm chí nguy cơ xuất hiện đợt suy thoái mới. Với Việt Nam, TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho biết, các giải pháp vĩ mô hiện tại của Việt Nam đã tương đối hợp lý, nhưng giải pháp căn cơ lâu dài vẫn là phải nâng cao năng lực của cộng đồng doanh nghiệp.

PV: Thời gian qua, lạm phát của các nền kinh tế lớn trên thế giới liên tục đạt kỷ lục khiến cho lo ngại về một đợt suy thoái toàn cầu có thể xuất hiện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Ngô Trí Long: Chính vì phải đối diện với tình hình lạm phát tăng cao và kéo dài nên các nước đã phải liên tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát và chúng ta đã biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa qua đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, trong bối cảnh lạm phát Mỹ rất cao và ghi nhận lần tăng lãi suất thứ năm trong năm nay.

Hạn chế chi phí đẩy tác động đến lạm phát: Giải pháp căn cơ là nâng cao năng lực của doanh nghiệp
TS. Ngô Trí Long

Việc tăng lãi suất là một trong những giải pháp thông thường nhằm kiểm soát lạm phát, nhưng nó cũng có tác động phụ là làm ảnh hưởng sản xuất do chi phí tài chính tăng. Tuy nhiên, mục tiêu mà các nhà điều hành hướng tới khi lạm phát được kiểm soát nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ thì chính nó cũng sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng về mặt lâu dài.

PV: Được biết, ý đồ của FED có thể sẽ còn tăng lãi suất lên nữa, dự kiến sẽ tăng thêm 0,75 điểm phần trăm một lần nữa vào cuối năm, đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4%. Xu hướng tăng lãi suất liệu đến khi nào mới dừng thưa ông?

TS. Ngô Trí Long: Xu hướng tăng lãi suất có thể sẽ còn vẫn diễn ra một khi lạm phát chưa được kiềm chế. Tuy nhiên, lãi suất trên thế giới dù tăng thì cũng sẽ chỉ đến một lúc nào đó. Lộ trình của Mỹ và một số nước có thể sẽ tăng một vài đợt, nhưng mức độ tăng có thể sẽ khác nhau tùy bối cảnh kinh tế. Tôi cho rằng, chính việc các nước kiên trì siết chặt tiền tệ thì đến một thời điểm nào đó họ sẽ kiểm soát được lạm phát và ổn định nền kinh tế.

PV: Trong nước, sau một thời gian cố định lãi suất điều hành, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng lãi suất điều hành. Động thái này có là một quyết định phù hợp trong điều hành kinh tế của Việt Nam hay không, thưa ông?

TS. Ngô Trí Long: Tôi nghĩ rằng Việt Nam lẽ ra cũng không cần phải giữ lãi suất cố định lâu quá và việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành cũng là cần thiết. Bởi lẽ, mục tiêu của chúng ta trong chính sách tiền tệ cũng là kiểm soát lạm phát, nên chúng ta rất khó mà làm khác với các nước khác trên thế giới được.

Nguồn: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ(Fed).
Nguồn: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ(Fed).

PV: Ngoài các vấn đề về tiền tệ, nguyên nhân lạm phát trong nước được đánh giá là do chi phí đẩy, do phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu. Vậy theo ông, giải pháp khác ngoài công cụ tiền tệ đối với vấn đề lạm phát là gì?

TS. Ngô Trí Long: Giá cả thế giới tăng dẫn đến chi phí nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp tăng gây ra áp lực lạm phát. Theo tôi, giải pháp căn cơ chính là phải nâng cao năng lực doanh nghiệp, tăng chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

PV: Lãi suất điều hành tuy đã được điều chỉnh tăng, nhưng yêu cầu lãi suất cho vay vẫn phải giữ ổn định. Theo ông, bài toán khó này cần phải giải như thế nào?

TS. Ngô Trí Long: Yêu cầu giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất tăng khắp nơi như hiện nay đúng là một nhiệm vụ khó. Về cơ bản, các ngân hàng sẽ phải cố gắng thực hiện việc cắt giảm chi phí.

“Hiệu ứng phụ” của việc tăng lãi suất là làm tăng chi phí của doanh nghiệp

Chi phí lãi vay là tổng số tiền mà một doanh nghiệp phải trả cho bất kỳ khoản vay nào của họ như trái phiếu, khoản vay, nợ chuyển đổi hoặc hạn mức tín dụng... Đây là một khoản chi phí phi hoạt động được tính bằng lãi suất đi vay nhân với số tiền gốc chưa thanh toán của khoản nợ và được cập nhật trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó, chi phí lãi vay có ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp, do đó nếu nó quá cao, nó có thể làm giảm đáng kể lợi nhuận của công ty.

PV: Tuy nhiên, quy luật thị trường có thể sẽ vẫn diễn ra theo chiều hướng lãi suất huy động nếu tăng cũng sẽ làm cho lãi suất cho vay tăng theo. Điều này nếu xảy ra sẽ gây ảnh hưởng gì đến nền kinh tế?

TS. Ngô Trí Long: Đương nhiên lãi suất cho vay nếu tăng sẽ làm tăng chi phí vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu vẫn giữ giá bán đầu ra thì họ sẽ bị ảnh hưởng lợi nhuận, còn nếu họ tăng giá bán thì vô hình chung lại làm tăng giá hàng hóa dịch vụ, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và sức mua của nền kinh tế.

PV: Một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước đi đến quyết định tăng lãi suất điều hành là họ còn kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá, điều này có hợp lý không, thưa ông?

TS. Ngô Trí Long: Lý thuyết thì là đúng, nhưng thực tế cũng còn nhiều vấn đề khác, vì tỷ giá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong điều hành tỷ giá thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng có một số thời điểm bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá và những giải pháp này cũng có những tác dụng nhất định giúp cân bằng thị trường ngoại hối.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề trọng yếu khác liên quan đến tỷ giá cần quan tâm. Ví dụ, tỷ giá muốn giữ ổn định thì cần phải duy trì cán cân thương mại cân bằng, hoặc thặng dư, vì nếu cán cân thương mại thâm hụt thì dù làm thế nào tỷ giá cũng khó ổn định được về lâu dài.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam